Việc số hóa 3D các không gian văn hóa, di tích và hiện vật ở Yên Tử không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của di sản, thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hình ảnh số hóa 3D khu vực An Kỳ Sinh ở Yên Tử.
Việc tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Yên Tử đã được làm từ trước đó khá lâu. Trong hơn 30 năm qua, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp hướng dẫn tại điểm cho du khách, phát hành 20.000 bản đồ về khu di tích Yên Tử, 10.000 cuốn sổ tay hướng dẫn du lịch song ngữ Việt - Anh, 10.000 bản đĩa DVD giới thiệu tiềm năng du lịch Yên Tử, 20.000 cuốn sách "Danh sơn Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm", 50.000 bộ ảnh, 500.000 tờ gấp.
Đồng thời, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng đã xây dựng website tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Yên Tử, được đánh giá có chất lượng cao, phong phú về thông tin tra cứu, cần thiết cho du khách, phục vụ các nhà khoa học, sinh viên, học sinh tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về khu di tích Yên Tử; xây dựng, triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá khu di tích Yên Tử".
Gần đây nhất, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm VHNT Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cán bộ Quỹ Hỗ trợ sáng tạo VHNT Việt Nam vừa thực hiện quay phim, chụp ảnh, số hóa 3D không gian, kiến trúc nghệ thuật, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, các Bảo vật quốc gia tại Quảng Ninh. Trong đó, tại Quảng Ninh đề án tập trung vào di tích và danh thắng Yên Tử.
Số hóa 3D là công nghệ xử lý dữ liệu về màu sắc, chi tiết, số hóa thành không gian 3D và tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Nền tảng du lịch tương tác thông minh 3D/360 dựa trên công nghệ 3D laser scanning tiên tiến của thế giới giúp thu thập dữ liệu, tái hiện không gian với kích thước chính xác, màu sắc chân thật một cách nhanh chóng. Đối với di tích, hình ảnh được bao quát trọn vẹn từ trái qua phải, từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong chi tiết từng vật thể, ngóc ngách. Khi du khách chạm vào và bắt đầu di chuyển các điểm đi trong hình, du khách như đang đi vào không gian của di tích.
Hình ảnh số hóa hộp vàng Ngọa Vân - một biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đồng thời với việc số hóa 3D quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nhóm ê kíp thực hiện dự án còn số hóa không gian khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, giúp du khách trước khi đến với di tích Yên Tử có thể tìm hiểu các không gian văn hóa, các hiện vật trên môi trường ảo.
Đồng thời, vì lý do nào đó, một số hiện vật chỉ được lưu ở kho bảo tàng mà chưa được trưng bày; hoặc là không thể mang đi trưng bày, như Bảo vật quốc gia tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang ở Yên Tử, thì việc số hóa hiện vật để du khách chiêm ngưỡng lại rất có ý nghĩa. Du khách có thể không cần đến bảo tàng, không cần đến di tích vẫn có thể có được nhiều thông tin, hình ảnh chi tiết, sắc nét về bảo vật này. Từ đó, những không gian di tích, hiện vật, cổ vật và bảo vật quốc gia đã được thể hiện lại bằng những hình thức hiện đại, sống động và hấp dẫn hơn.
Hình ảnh số hóa 3D khu vực chùa Ngọa Vân, TX Đông Triều.
Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Uông Bí, cho biết: "Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện các đề án số hóa di sản văn hóa để phục vụ tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nền tảng số, đề án bộ nhận diện thương hiệu du lịch Uông Bí. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để hoàn thiện bộ hồ sơ Yên Tử trình UNESCO, tuyên truyền quảng bá di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng số, số hóa di sản phục vụ cho công tác quảng bá di sản văn hóa đến với khách du lịch.