Nhận thức rõ vấn đề căn cơ trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn ngay từ đầu, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Quảng Ninh coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển bền vững của địa phương gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý, có phong cách làm việc mới, có sức chiến đấu cao.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện quy trình điều động, kiện toàn chức danh cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã điều động, bổ nhiệm 7 đồng chí; hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 5 đồng chí; hiệp y bổ sung quy hoạch 2 đồng chí; điều động, giới thiệu ứng cử 4 đồng chí; bổ sung cấp ủy 1 đồng chí; chuẩn y ủy ban kiểm tra 6 đồng chí.
Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo siết chặt kỷ luật kỷ cương, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng người đứng đầu và CBCC làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, ngại va chạm, bao che tham nhũng, tiêu cực. Mới đây, tại cuộc họp giao ban với bí thư cấp ủy các địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương tăng cường quản lý giáo dục đảng viên, trọng tâm là việc giáo dục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII); các quy định về nêu gương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chống bệnh quan liêu, hình thức, bệnh thành tích; thực hành phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, khiêm tốn học hỏi, nói đi đôi với làm, theo việc đến cùng, dứt điểm, đong đo đếm được kết quả, hiệu quả; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Một trong nhiệm vụ cũng được tỉnh ưu tiên thực hiện để phòng ngừa tham nhũng từ xa, từ sớm, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung cải cách mạnh mẽ TTHC với phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời” để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; nỗ lực giữ vững thứ hạng dẫn đầu chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, Par-Index của tỉnh.
Tính đến thời điểm này, tổng số TTHC của các sở, ban, ngành thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.419. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn tỉnh ở cả 3 cấp đạt trêm 80%; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; trên 76% hồ sơ giải quyết TTHC được tiếp nhận và xử lý trực tuyến; trên 66% hồ sơ giải quyết TTHC được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Đầu tháng 4, tỉnh đón nhận tin vui khi năm thứ 6 liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI và ngoạn mục trở lại vị trí số 1 chỉ số PAPI.
Cùng với tập trung cải cách hành chính, công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường. Đến nay, Quảng Ninh hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, là cơ sở quan trọng để triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực. Đồng thời, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung các địa phương: Cẩm Phả, Đông Triều, Ba Chẽ và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đối với Hải Hà, Uông Bí, Tiên Yên. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định; hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thành lập TP Đông Triều.
Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp được tăng cường toàn diện nhằm chủ động phòng ngừa cũng như nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vai trò, trách nhiệm BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh ngày càng thể hiện rõ nét. Việc chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực theo quy định của Đảng được thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp. Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả. Số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được xử lý từ công tác phát hiện, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tăng hơn so với trước. Qua đó, thể hiện rõ tinh thần nghiêm minh, kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.