Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 21 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 162.000 người, sinh sống chủ yếu ở miền núi, biên giới, hải đảo - nơi còn gặp khá nhiều khó khăn, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, tỉnh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, sản xuất để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Gia đình Anh Lỷ Văn Chiến (thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) từ nhiều năm nay đời sống kinh tế đã khá giả hơn. Gia đình anh hiện trồng nhiều loại cây dược liệu và cây lấy gỗ: Quế, ba kích, sa mộc… Tháng 11/2021, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo (theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh). Từ nguồn vốn vay, anh Chiến đã trồng thêm 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích hiện có của gia đình lên 12ha.
Anh Chiến cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp, nên người dân dễ dàng vay. Tôi hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này giúp phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, ổn định đời sống".
Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Các địa phương đã huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này, ưu tiên tập trung cho địa bàn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; triển khai kịp thời mọi chế độ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương vùng DTTS.
Trong 2 năm (2021-2022), tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã cho hơn 2.680 lượt khách hàng vay gần 196,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm vùng đồng bào DTTS.
Chị Triệu Thị Hòa (thôn Tàu Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: "Năm 2021 gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng thêm 2ha rừng. Chúng tôi còn được tạo điều kiện vay vốn ở các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh. Những nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình tôi dần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập".
Đồng hành cùng đồng bào DTTS, các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới và tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất. Nhờ đó nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, giúp bà con yên tâm sản xuất, như: Trồng rừng, trồng cây quế tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà); trồng cây chùm ngây tại xã Đồng Sơn (TP Hạ Long); trồng cây trà hoa vàng, ba kích tím, trồng hỗn giao gỗ lim và cây dược liệu tại huyện Ba Chẽ… Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản thông qua việc mở rộng sản xuất theo mô hình VietGAP; ứng dụng hệ thống quản lý sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết đã tạo sức bật cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, đạt được kỳ vọng của người dân, mở ra nhiều cơ hội mới phát triển cho bà con nơi đây.