Những năm qua, lực lượng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) đã phát huy vai trò nòng cốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã nêu gương sáng với tinh thần mưu trí, tận tuỵ với công việc. Trung tá Lê Trung Kiên, Đội trưởng Đội An ninh công thương, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh là một điển hình như thế.
Tốt nghiệp Đại học Thương mại năm 2002, Lê Trung Kiên tham gia vào lực lượng CAND và gắn bó với lực lượng An ninh kinh tế Công an Quảng Ninh liên tục cho đến nay. Nhắc tới anh, cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn bày tỏ sự quý mến, trân trọng người chỉ huy tận tuỵ, giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ.
Nhớ lại những ngày đầu công tác, anh chẳng thể quên được kỷ niệm khi tham gia triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển vàng trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam năm 2004. Thời điểm đó, mới được tuyển vào ngành Công an, bản thân anh chưa được đào tạo nghiệp vụ. Vượt qua những khó khăn, hạn chế trong công tác những ngày đầu, với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cán bộ đi trước, anh đã tham gia tích cực và góp phần vào quá trình điều tra, khám phá vụ án.
Anh kể: Ngày ấy, qua công tác điều tra cơ bản về hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa trên tuyến biên giới thị xã Móng Cái (nay là TP Móng Cái), ngày 2/6/2004, tại khu vực cửa khẩu Bắc Luân, Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế phát hiện 2 đối tượng gồm Phạm Thị Mai (SN 1967, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Thị Nghinh (SN 1955, trú tại phường Trần Phú, Móng Cái) vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam 19 thỏi vàng, có tổng trọng lượng gần 20kg, trị giá thời điểm bắt giữ là trên 3,8 tỷ đồng. Mở rộng điều tra, lực lượng Công an bắt giữ Nguyễn Thị Hiền (SN 1949, trú tại phường Trần Phú, Móng Cái) - đối tượng chủ mưu của vụ án. Nguyễn Thị Hiền khai nhận do sự chênh lệch giá vàng giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc nên thị đã liên hệ với người Trung Quốc tên A Thành để trao đổi thu mua vàng kém chất lượng từ Trung Quốc nhằm trà trộn vào vàng có thương hiệu tại thị trường nội địa Việt Nam hòng kiếm lời. Cùng với đó, Hiền thuê người tham gia vào quá trình vận chuyển vàng giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Luân. Ba đối tượng Hiền, Mai và Nghinh sau đó đã bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh chồng lấn sóng viễn thông để sử dụng thiết bị liên lạc bằng sóng điện thoại Trung Quốc và thường xuyên thay đổi đối tượng tham gia vận chuyển gây khó khăn cho quá trình điều tra. Vì thế, quá trình trinh sát, theo dõi đối tượng của trung tá Lê Trung Kiên và đồng đội khi ấy gặp không ít khó khăn.
“Đây là vụ án vận chuyển trái phép vàng qua biên giới có trọng lượng lớn nhất mà Phòng An ninh kinh tế đã phát hiện và bắt giữ từ trước đến nay, qua đó góp phần làm ổn định giá vàng và chất lượng vàng trong nước” - Trung tá Lê Trung Kiên cho biết.
Những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Tháng 3/2019, qua công tác điều tra cơ bản, trung tá Lê Trung Kiên khi đó là Đội trưởng Đội An ninh bưu chính viễn thông đã phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc sử dụng mạng Internet tổ chức cho người Trung Quốc đánh bạc tại TP Móng Cái. Từ thông tin trinh sát, anh đã báo cáo lãnh đạo đơn vị tham mưu Công an tỉnh lập chuyên án đấu tranh.
Anh cho biết thời điểm phát hiện vụ việc trên, lực lượng Công an Trung Quốc đang đấu tranh truy quét tội phạm tổ chức đánh bạc trên mạng. Một số đối tượng lợi dụng địa bàn TP Móng Cái giáp ranh Trung Quốc để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tiếp tục điều hành, quản lý các trang đánh bạc trực tuyến. Sau đó, chúng liên hệ với người Việt Nam để thuê nhà, lắp đặt đường truyền Internet, phục vụ nấu ăn, mua sắm cho cả nhóm nhằm hạn chế việc ra ngoài gây chú ý đối với người dân và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, các hoạt động bất thường của nhóm trên đã không thoát khỏi góc quan sát của anh và các đồng đội. Sau quá trình phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh để xác minh, củng cố tài liệu hoạt động bất hợp pháp của số đối tượng trên, đến ngày 21/8/2019, các lực lượng thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh đã bất ngờ kiểm tra căn nhà số 175, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ka Long, TP Móng Cái. Thời điểm kiểm tra, phát hiện 5 đối tượng người Trung Quốc đang sử dụng mạng viễn thông Việt Nam để tổ chức đánh bạc cho người nước ngoài, cùng nhiều thiết bị, sổ sách là tang vật của vụ án.
Sau khi lấy lời khai, củng cố hồ sơ, chứng cứ, đến 18 giờ cùng ngày, Ban Chuyên án đã bàn giao 5 đối tượng cùng toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tang vật có liên quan cho Công an Đông Hưng (Trung Quốc) tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Trưởng thành từ những vụ án khó khăn, phức tạp, trung tá Lê Trung Kiên coi đó là một điều may mắn bởi “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trải qua 21 năm công tác, 4 năm gắn bó với mảng an ninh bưu chính viễn thông, 17 năm với lĩnh vực an ninh công thương và hiện là Đội trưởng Đội An ninh công thương, anh luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để đáp ứng công việc được giao.
Anh cho hay, an ninh công thương là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra áp lực đối với cán bộ chiến sĩ trong công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình liên quan an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và lĩnh vực công thương để kịp thời có biện pháp tham mưu, xử lý.
Với vai trò đội trưởng, anh đã chỉ đạo các thành viên trong Đội bám sát nhiệm vụ, chương trình công tác của đơn vị; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn các cơ quan, doanh nghiệp được phân công phụ trách.
“Đối với từng lĩnh vực cụ thể, chúng tôi định hướng tổ chức điều tra chuyên sâu vào các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn tại địa bàn được phân công để kịp thời nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động vi phạm pháp luật; tham mưu lãnh đạo cấp trên, triển khai công tác phòng ngừa, phát hiện sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ huy Đội cũng yêu cầu cán bộ chiến sĩ làm tốt công tác nắm tình hình; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” - Trung tá Lê Trung Kiên chia sẻ.
Từ năm 2010 đến nay, anh cùng đồng đội đã tham gia triệt phá đấu tranh, kiến nghị xử lý 20 chuyên án, vụ việc có quy mô lớn. Trong số đó có những chuyên án điển hình, ghi dấu ấn đậm nét của Công an tỉnh Quảng Ninh, có thể kể đến là chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển trái phép ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài năm 2020.
Khi ấy, qua công tác nắm tình hình, Đội An ninh công thương phát hiện Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Trường Giang Thịnh (địa chỉ tại phường Ninh Dương, TP Móng Cái) có nhiều bất thường trong thanh toán quốc tế với hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua biên giới. Bởi chỉ trong thời gian ngắn, Công ty này đã liên tục ký kết và thực hiện các hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu với hai đối tác có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc và Lào với tổng giá trị giao dịch tính đến ngày 23/9/2019 là 42.010.000 USD tương đương trên 977 tỷ đồng thời điểm đó.
Đáng chú ý, đi kèm mỗi hợp đồng nhập khẩu là các phụ lục hợp đồng, trong đó các công ty trên yêu cầu Công ty Trường Giang Thịnh chuyển tiền thanh toán hợp đồng cho nhiều bên thứ ba (tổng cộng có 49 trường hợp) là các công ty có trụ sở tại các quốc gia khác nhau, chủ yếu tập trung tại Châu Á. Tuy giá trị giao dịch lớn nhưng các chứng từ như hợp đồng, phụ lục hợp đồng, hóa đơn... được các bên thỏa thuận và xác lập rất đơn giản và nhiều điểm bất ổn. Cùng với đó, quy mô giao dịch gấp hàng trăm lần vốn điều lệ của Công ty Trường Giang Thịnh (hơn 8,9 tỷ đồng). Điều đáng chú ý là bản thân giám đốc Công ty này là Bùi Tùng Lâm đang là lái xe taxi trên địa bàn TP Móng Cái, điều kiện kinh tế không khá giả và ở trọ cùng người thân.
Từ kết quả xác minh sơ bộ, nghi vấn Công ty Trường Giang Thịnh lợi dụng hoạt động thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh.
Với phương châm “Vừa trinh sát, vừa phá án”, trung tá Lê Trung Kiên và đồng đội nhanh chóng làm rõ các hành vi pháp luật của đối tượng nào thì xử lý đối tượng đó; khẩn trương khai thác, xác minh, mở rộng phạm vi đấu tranh để xử lý tiếp những đối tượng còn lại trong chuyên án. Quá trình đấu tranh chuyên án, anh và các cán bộ chiến sĩ đơn vị đã làm rõ phương thức, thủ đoạn, mục đích chuyển tiền trái phép qua biên giới của các đối tượng.
Nói về thủ đoạn của các đối tượng trong chuyên án, trung tá Lê Trung Kiên cho biết: “Các đối tượng đã lợi dụng hình thức thanh toán TTR khi bên mua đề nghị ngân hàng thực hiện chuyển khoản một số tiền cho bên bán bằng điện chuyển tiền và do nắm bắt được nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau. Trong chuyên án này, chúng đã sử dụng các bộ hồ sơ thương mại xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã thanh toán bằng hình thức khác, không thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng. Sau đó, làm phụ lục hợp đồng để thay đổi đối tượng thụ hưởng trong hợp đồng ở nước ngoài để hợp pháp hóa việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam đến các địa chỉ tài khoản ở các nước trên thế giới theo nhu cầu của các cá nhân cần chuyển tiền. Chúng tôi đã xác định và làm rõ từ năm 2017 - 2019, các bị can trong vụ án đã chuyển trái phép ngoại tệ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam với số lượng đặc biệt lớn lên tới trên 51.000 tỷ đồng”.
Đến ngày 22/9/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” khởi tố 32 bị can.
Thành công của chuyên án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh tế, phòng chống rửa tiền; củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với công tác phòng chống tội phạm của lực lượng CAND.
Trải qua hơn 20 năm công tác, trung tá Lê Trung Kiên đã nhiều lần được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được tặng nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh; giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của lực lượng An ninh nhân dân Công an Quảng Ninh. Sự ghi nhận ấy chính là nguồn động viên, khích lệ để anh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên hành trình bảo vệ an ninh kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.