- Bây giờ, có dịp đến với những bản làng miền Tây Quảng Trị, mọi người dễ dàng nhận ra những đổi thay qua màu xanh của sự no đủ. Nơi đây, những hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, thay vào đó là tư duy tiến bộ, hòa nhập để xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn. Có được điều này, những thanh niên 8x, 9x mà đồng bào Vân Kiều tín nhiệm bầu là người có uy tín đang nỗ lực, đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Họ là những “nhịp cầu” nối ý Đảng với lòng dân.
“Điểm tựa” của thôn
Ngược Mất gần 2 giờ đi xe máy qua những cung đường quanh co, gập ghềnh, chúng tôi mới đến được thôn Ngược, xã Tà Long, huyện Đakrông. Đón chúng tôi là anh Hồ Văn Mười, năm nay chỉ mới 35 tuổi nhưng hiện là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn với thâm niên hơn 10 năm công tác.
Anh Mười cho biết, năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, anh bắt đầu xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp cho gia đình. Ban đầu, anh vay một ít vốn để nuôi mấy chục con gà, trồng tràm và đào ao thả cá. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên các mô hình phát triển khá tốt và tạo được nguồn thu nhập ổn định. Thấy vậy, qua tuyên truyền, hướng dẫn của anh, nhiều hộ đã làm theo.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngược Hồ Văn Mười (ngoài cùng, bìa phải) gương mẫu thực hiện việc vệ sinh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Từ một hộ nghèo, sau khi được bày cách làm ăn, giờ kinh tế gia đình anh Hồ Văn Van đã khấm khá hơn nhờ 3 ha tràm, 2 sào sắn và chăn nuôi. Năm 2022, anh Van tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Lúc mới lập gia đình gặp nhiều khó khăn lắm. Nhờ anh Mười tuyên truyền, nên tôi thực hiện sinh ít con, lo làm ăn. Rồi anh chỉ cho cách trồng cây, chăn nuôi có áp dụng kỹ thuật nên kinh tế gia đình dần ổn định”, anh Van bộc bạch.
Không chỉ làm giàu cho mình, giúp đỡ bà con cùng phát triển, anh Mười luôn nỗ lực tìm cách làm hay để giúp bà con nâng cao cuộc sống, ổn định tình hình địa phương vùng biên. Đơn cử, để tuyên truyền nhanh chóng và thuận lợi, anh Mười tận dụng mạng xã hội, thành lập các nhóm zalo, mesenger facebook để chuyển tải các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách của địa phương các cấp. Từ đó, bà con biết để không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật như vượt biên trái phép, buôn bán hàng cấm... Nhờ vậy, an ninh trật tự trong thôn và khu vực đường biên luôn ổn định.
Trước đây, các đảng viên của thôn Ngược phải sinh hoạt ghép với Chi bộ thôn Bu. Sau quá trình nỗ lực tuyên truyền, vận động kết nạp đảng viên của Bí thư Chi bộ Hồ Văn Mười, năm 2013, Chi bộ thôn Ngược đủ điều kiện và được tách riêng. Hiện chi bộ có 7 đảng viên, là nòng cốt để đưa 49 hộ đồng bào Vân Kiều với 225 nhân khẩu tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng bản làng ngày thêm vững mạnh về mọi mặt.
Đặc biệt, nhiều năm qua, nhờ được tuyên truyền, nhắc nhở nên mỗi hộ trong thôn thực hiện khá tốt việc chỉ sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt. Nhờ vậy, thôn Ngược là địa phương duy nhất của huyện Đakrông được xét công nhận thôn không có người sinh con thứ 3.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Nang- Thượng tá Lê Hồng Sơn đánh giá cao những đóng góp của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngược Hồ Văn Mười. Anh chính là “điểm tựa” quan trọng để người dân thôn Ngược thay đổi lối nghĩ cách làm từ phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh Hồ Văn Mười là “cánh tay” nối dài hỗ trợ đắc lực cho lực lượng biên phòng trong tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ biên giới. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn chưa xảy ra các vụ việc liên quan đến tình trạng xâm canh xâm cư bất hợp pháp và các vấn đề an ninh khác.
“Trưởng thôn 9x” với nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Cũng như anh Mười, được bà con “chọn mặt gửi vàng” để giữ vai trò Trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa từ năm 2018, anh Hồ Văn Chinh (sinh năm 1990) vừa mừng, vừa lo. Vui vì bản thân được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân tin tưởng, nhưng lo nhiều hơn bởi nhiệm vụ trưởng thôn kiêm phó bí thư chi bộ rất nặng nề.
Song, với nhiệt huyết của người trẻ, anh Chinh đã chịu khó tìm tòi sách báo, nghiên cứu thêm các quy định, cách vận động quần chúng qua các lớp tập huấn, học hỏi từ những người có uy tín để tích lũy kinh nghiệm. Bằng việc gần dân, hiểu dân và vì dân nên những cách làm của anh Chinh được bà con trong thôn đồng tình, hưởng ứng nhiệt tình.
Trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Xa Ry Hồ Văn Chinh chăm sóc vườn cây cà phê của gia đình - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Anh Chinh chia sẻ: “Toàn thôn Xa Ry có 267 hộ với 1.003 nhân khẩu, trong đó 50% dân số trong thôn là đồng bào dân tộc Vân Kiều nên nhận thức của một số bà con còn hạn chế, dẫn tới kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn. Cho nên, vấn đề quan tâm nhất của địa phương là chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, từ đó, có nguồn lực để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Để làm gương, tôi đã ký kết với một doanh nghiệp trồng 1,5 ha cây cà phê. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra nên mỗi vụ sau khi trừ các chi phí, gia đình có thu nhập gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, tôi trồng thêm 0,7 ha cây dong riềng, nuôi 8 con bò. Nhờ đó, thu nhập gia đình luôn ổn định, có điều kiện để chăm sóc con cái và sắm sửa vật dụng trong nhà”.
Từ kết quả khả quan trong phát triển kinh tế gia đình mình, với vai trò người đứng đầu thôn, anh Chinh đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Bà con nghe theo nên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây trồng thế mạnh của địa phương như cà phê, dong riềng và chăn nuôi. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo toàn thôn giảm đáng kể, diện tích cây trồng hiệu quả và chủ lực ngày càng tăng lên.
Cùng với đó, công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn được anh Hồ Văn Chinh quan tâm thực hiện. Minh chứng rõ nhất cho nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trưởng thôn Hồ Văn Chinh về xây dựng nông thôn mới chính là Trung tâm học tập cộng đồng thôn được xây dựng khang trang, bề thế trên diện tích đất được bà con trong thôn tự nguyện hiến tặng.
Nhờ nỗ lực vận động của Trưởng thôn Hồ Văn Chinh, 2 hộ gia đình thôn Xa Ry hiến đất để xây dựng đường vào và hội trường thôn - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
“Năm 2021, thôn được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà học tập cộng đồng. Vấn đề khó nhất lúc ấy là tìm vị trí phù hợp vì phần lớn đất trong thôn thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình. Với quyết tâm xây dựng bằng được nơi sinh hoạt cho bà con, tôi cùng Ban điều hành thôn và cấp ủy chi bộ đêm ngày đi vận động.
Bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, phân tích những lợi ích khi có Trung tâm học tập cộng đồng thôn, 2 hộ gia đình sẵn sàng hiến đất. Trong đó, hộ ông Mai Trường Phi hiến 1.000 m2 để xây dựng hội trường thôn, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi vận động bà con trong thôn hỗ trợ lại gia đình ông Phi mỗi hộ 500.000 đồng; riêng gia đình anh Hồ Văn Thắng tặng hơn 120 m2 đất của gia đình đang canh tác để xây dựng đường vào hội trường”, anh Chinh phấn khởi chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết: “Anh Hồ Văn Chinh dù tuổi đời còn trẻ nhưng kinh nghiệm và uy tín của một trưởng thôn kiêm phó bí thư chi bộ rất phong phú. Bằng việc sâu sát với Nhân dân, có cách làm sáng tạo nên sự tuyên truyền, vận động của anh Chinh đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đó chính là người dân thôn Xa Ry đã thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Nỗ lực của anh Chinh đã giúp Xa Ry đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững và quan trọng là góp sức cùng xã Hướng Phùng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Bản làng đã có nhiều đổi mới, nhưng với các anh Hồ Văn Mười hay Hồ Văn Chinh, những thanh niên có thâm niên làm cán bộ thôn vẫn tận tụy tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Bởi họ mong muốn bà con mình đạt được nhiều hơn thế để cuộc sống dân bản ngày càng đổi thay, sung túc và hạnh phúc hơn.
Lê Trường