Công tác tham mưu có vị trí vô cùng quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của tất cả các tổ chức. Đối với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng, công tác tham mưu của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt.
Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy tận tụy với công việc - Ảnh: H.Y
Trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển KTXH và giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước hay của địa phương đều cần có sự tham mưu, hiến kế của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cùng sự hiến kế của Nhân dân.
Tuy nhiên, vai trò tham mưu đề xuất của các cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách của Đảng có ý nghĩa khởi đầu, là căn cứ quan trọng để cấp ủy đảng thể hiện quan điểm, chủ trương lãnh đạo toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Do vậy, cán bộ tham mưu cấp ủy đảng có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc là tham mưu lãnh đạo; đối tượng tham mưu là những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sản phẩm tham mưu là những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa dưới dạng các văn bản chỉ đạo của cấp ủy như: nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định...
Trong điều kiện Đảng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao tầm trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Theo Quy định 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư thì các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Trải qua quá trình hoạt động, ghi dấu bằng bề dày truyền thống, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy đã có nhiều nỗ lực làm tốt chức năng tham mưu Tỉnh ủy, mà trực tiếp là Ban Thường vụ (BTV), Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Được sự quan tâm chăm lo của BTV, thường trực cấp ủy, đội ngũ cán bộ tham mưu trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh, huyện ngày càng được đảm bảo về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Qua đánh giá cho thấy, đội ngũ cán bộ tham mưu có khả năng vận dụng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để tham mưu cấp ủy đề ra chủ trương, nghị quyết; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; trực tiếp tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của các cấp ủy đảng để kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho các kiến nghị, đề xuất hợp lý..., góp phần làm chuyển biến công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của BTV, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp.
Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu của cơ quan đảng vẫn chưa được như mong muốn. Công tác tham mưu vẫn còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Còn thiếu sự chủ động, tích cực trong đề xuất, dự báo và chuẩn bị những nội dung, nhiệm vụ có tính chiến lược để tham mưu, phục vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo.
Ngay cả những vấn đề đã nhận biết được từ thực tiễn nhưng việc tham mưu vẫn chưa thực sự ngang tầm. Một số cán bộ tham mưu còn thuần túy làm công tác chuyên môn, giải quyết công việc sự vụ, chưa có cái nhìn công việc bằng “lăng kính” lãnh đạo chính trị. Thiếu những cán bộ tham mưu tầm cỡ “chuyên gia”...
Tham mưu là một hoạt động đòi hỏi năng lực, trí tuệ cao, nhất là tham mưu về chính trị, về lãnh đạo quản lý. Cán bộ tham mưu là những người thường xuyên có trách nhiệm đóng góp ý kiến với cấp uỷ để giúp cấp uỷ ra được quyết định đúng. Nhiệm vụ này đòi hỏi họ phải hiểu sâu, biết rộng, nắm vững lý luận và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn.
Ngoài tiêu chuẩn chung như đối với đội ngũ cán bộ nói chung, người cán bộ tham mưu của Đảng cần có thêm những tiêu chuẩn đặc thù do chức năng, nhiệm vụ, công việc, sản phẩm tham mưu quy định. Người cán bộ tham mưu giỏi là được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn công tác tại các cơ quan tham mưu trong hệ thống chính trị và có quá trình lâu dài, liên tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tham mưu.
Ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn như: phải có tư duy độc lập, phân tích và tổng hợp tốt, có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu; trung thực, thẳng thắn, biết các biện pháp, giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn thì người cán bộ tham mưu phải có tinh thần dũng cảm trong tham mưu, thể hiện ở chỗ đề xuất những ý kiến tham mưu có tính đổi mới cụ thể, có thể liên quan đến việc thay đổi những quy định hiện hành, nhưng không vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; kiên quyết bảo vệ những ý kiến tham mưu được cho là đúng đắn; cầu thị trong việc chấp nhận thay đổi hoặc từ bỏ ý kiến tham mưu của mình khi nhận thấy những ý kiến đó chưa hoặc không phù hợp với thực tiễn, chưa có cơ sở lý luận.
Người cán bộ tham mưu cần dũng cảm khi phản ánh sự thật hoặc những “phát hiện” mới với cấp lãnh đạo. Do đó, năng lực tư duy, phân tích khoa học, dự báo các sự kiện, hiện tượng, các vấn đề là yêu cầu rất cần thiết của người cán bộ tham mưu, yêu cầu họ phải nhạy cảm với cái mới, biết đứng trên quan điểm tiến bộ để xem xét các vấn đề; đồng thời biết vun trồng những mầm non tốt đẹp mới nảy sinh.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích sự vận động của vấn đề trong phạm vi, lĩnh vực được giao tham mưu, cần phải nhận định được những xu hướng phát triển, bản chất của vấn đề trong tương lai, làm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các ý kiến dự báo mang tính khoa học, khách quan và hợp lý, làm cơ sở để cấp uỷ ra các quyết định chính xác, kịp thời.
Để có các tố chất đó, người cán bộ tham mưu cần không ngừng học tập và hăng say hoạt động thực tiễn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trí tuệ và năng lực công tác để rèn dũa khả năng độc lập suy nghĩ, độc lập tham mưu, độc lập chịu trách nhiệm về ý kiến tham mưu của mình. Phấn đấu mỗi cán bộ tham mưu giỏi một việc, biết nhiều việc.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy các cấp đủ về số lượng, tốt về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, có khả năng thích ứng cao với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ của Đảng. Ngoài những giải pháp cần thiết có tính chất chung nhất, cần có những giải pháp đổi mới cụ thể đối với từng khâu trong công tác cán bộ.
Trong đó, cấp có thẩm quyền cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ tham mưu của cấp ủy, từ đó có sự quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết nhằm xây dựng, chăm lo, củng cố đội ngũ này xứng đáng với vai trò, vị thế, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Hải Yến