- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc “làm gương”, “nêu gương” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người luôn căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Khắc ghi lời dạy của Người, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến sự hiện diện của những tập thể, cá nhân tiên phong, có uy tín, góp phần vào sự chuyển mình tích cực trên những bản làng nơi miền Tây Quảng Trị.
Những đảng viên “đi trước, làm đầu” miền sơn cước
Ở thôn Đồng Dôn, xã Linh Trường, huyện Gio linh, tỉ lệ sinh con thứ 3 còn tương đối lớn, vì phần đông người dân nơi đây quan niệm “đông con hơn đông của” và “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Hơn nữa, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khiến phải đẻ bằng được con trai nên việc sinh đẻ không có kế hoạch càng thêm tiếp diễn. Đông con, nghèo đói, rồi nghèo đói lại dẫn đến việc không kế hoạch hóa gia đình. Vòng luẩn quẩn đó cứ đeo bám người dân.
Vai trò của người có uy tín trong việc thúc đẩy bình đẳng giới được các ban, ngành, đoàn thể chú trọng - Ảnh: Thu Thảo
Bằng tinh thần, trách nhiệm và hơn hết là quyết tâm không thể nhìn dân mình tiếp tục sinh đẻ không có kế hoạch thêm nữa, già làng Hồ Sỹ Đa đã không đắn đo, ngại ngùng mà đến tận từng nhà, gặp từng cặp vợ chồng để giải thích về các biện pháp tránh thai. Chuyện chị em họ ngại ngùng, né tránh mấy chuyện tế nhị, nhất là việc dùng các biện pháp tránh thai là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng, với quyết tâm của một người có uy tín như ông Đa, việc tuyên truyền, vận động thì vẫn cứ phải làm và làm cho kỳ được!
Từ lâu, người dân thôn Đồng Dôn đã nói không với hủ tục, cúng bái lạc hậu và nay tỉ lệ sinh con thứ 3 ở Đồng Dôn đã giảm rõ rệt so với nhiều địa phương khác trên địa bàn xã. Phụ nữ, trẻ em đau ốm, sinh đẻ đều đến bệnh viện, trạm xá. “Tiếng nói uy tín” của già làng Hồ Sỹ Đa đã giúp bản làng thêm văn minh, phát triển, người dân bớt khổ vì “đẻ nhiều”, trẻ em được đến trường đầy đủ. Bản làng ngày càng xanh tươi, trù phú, người dân vì thế mà càng thêm hăng say lao động.
Tổ phòng, chống thiên tai của thôn Làng Cát xã Đakrông, huyện Đakrông thành lập khá sớm từ năm 2018, trong đó thành viên chủ chốt của tổ bao gồm nhiều già làng, người có uy tín của địa phương. Đảng viên 72 tuổi Hồ Văn Nha, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi cũng đang cần mẫn đóng góp cho công tác phòng, chống thương tích do thiên tai tại thôn, bản.
Dịp trẻ con nghỉ hè cũng là lúc ông Nha bận rộn nhất khi hàng ngày đưa các cháu nhỏ ra tận khe suối để hướng dẫn cách tập bơi, phòng, chống thiên tai cho trẻ nhỏ. “Chúng tôi đúc rút kinh nghiệm từ thế hệ cha ông đi trước, những cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất đều có dự báo sớm của tự nhiên. Nếu con ong làm tổ thấp thì năm đó ít lũ lụt, nếu con ong làm tổ trên cây cao thì chắc chắn sẽ có lũ lụt to”, ông Nha chia sẻ.
Thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông là nơi sinh sống của 225 hộ với 900 nhân khẩu. Với tình hình thiên tai ngày càng khắc nghiệt và bất thường, khó dự đoán như hiện nay, việc hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh cho trẻ nhỏ, phụ nữ và người dân là cực kỳ quan trọng. Bởi tại nhiều bản làng, người dân còn chủ quan vượt đèo, lội suối vớt gỗ, vượt qua các đập tràn trong mùa mưa lũ. Nắm bắt nhu cầu thực tế đó, hằng năm, Ban Quản lý thôn thường xuyên cử các già làng tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống thiên tai. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong thôn nên vào những năm mưa lũ tàn phá lớn như 1999, 2020 địa phương không có thiệt hại về người.
Hiệu quả mang lại từ các mô hình cộng đồng
Xác định rõ việc triển khai và nhân rộng các mô hình cộng đồng tại thôn, bản đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về các vấn đề cấp thiết ngay tại khu dân cư. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chú trọng đầu tư, nhân rộng các mô hình trong cộng đồng, tạo không gian sinh hoạt, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời là kênh thông tin để các cấp chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những vấn đề cấp thiết, bất bình đẳng giới đặt ra liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái vùng DTTS...
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” phát huy hiệu quả tại cộng đồng dân cư vùng DTTS - Ảnh: Thu Thảo
Hội LHPN các cấp đã thành lập nhiều mô hình cộng đồng tại địa bàn vùng đồng bào DTTS. Trong số nhiều mô hình đó, có những “điểm sáng”, tạo được niềm tin và sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương; được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao, phát huy hiệu quả trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Được thành lập năm 2023, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt, huyện Đakrông luôn được Đảng ủy, chính quyền dành nhiều sự quan tâm, theo dõi, nhất là tổ chức các hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, đảm bảo an toàn cho nạn nhân, bảo đảm bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân.
Với 10 thành viên chủ chốt, mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người có uy tín ở cộng đồng. Chủ “Địa chỉ tin cậy” có trách nhiệm trực tiếp tuyên truyền cho người dân trong thôn về “Địa chỉ tin cậy” để người dân biết đến khi có bạo lực xảy ra; đi từng nhà có nguy cơ về bạo lực gặp gỡ, tuyên truyền, vận động không bạo lực gia đình, nắm bắt tình hình, tư tưởng của người dân địa phương để kịp thời báo cáo lãnh đạo để chủ động phòng, ngừa, khắc phục sớm các vụ việc dẫn đến phát sinh bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội và các vấn đề mà pháp luật nghiêm cấm. Đồng thời, can thiệp, bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi có mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình cũng như các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội ở địa phương.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Rụt 3 cũng là chủ “Địa chỉ tin cậy” Hồ Văn Om cho biết: “Nhờ có các hoạt động thiết thực này, trên địa bàn chưa ghi nhận xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. “Địa chỉ tin cậy” đã mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn những hành vi bạo lực, tạo môi trường sống an bình, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân tại bản làng”.
Nhận thấy được sự tích cực mà mô hình mang lại, các cấp hội LHPN đã nhân rộng “Địa chỉ tin cậy” và triển khai có hiệu quả ở nhiều địa phương, nổi bật có mô hình của thôn Cu Tài 2, La Hót (huyện Đakrông), Khe Cát, xã Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh); thôn Ra Po, xã Xy (huyện Hướng Hóa); thôn Sông Ngân, xã Linh Trường (huyện Gio Linh).
Ngoài các địa chỉ trên, nhiều mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả tính tuyên truyền. Điển hình, đến nay, các cấp hội LHPN đã thành lập được 29 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học trên địa bàn 29 xã dự án, thành lập và duy trì 125 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 111 nhóm “Cha mẹ có con dưới 10 tuổi”, 87 câu lạc bộ (CLB) cha mẹ về phòng ngừa kết hôn trẻ em, 44 CLB Phụ nữ và sức khỏe, CLB về phòng chống xâm hại tình dục, 46 nhóm “Vui chơi đọc sách”, 14 “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em... Thông qua các mô hình, địa chỉ này, từng bước xóa bỏ những hủ tục, quan điểm lạc hậu, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về cách phòng ngừa, ngăn chặn tác các động tiêu cực của lối sống thực dụng, tình trạng bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em trong gia đình, hỗ trợ tích cực bố mẹ trong quá chăm sóc và giáo dục con cái, đóng góp tích cực vào sự phát triển của trẻ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.
Chủ tịch Hội LHPN xã Lìa, huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thiếc cho biết: “Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tham gia mô hình là những người nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín. Hơn nữa, mô hình cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều nam giới, đặc biệt là các bí thư chi bộ, trưởng thôn, mặt trận các thôn tham gia. Họ đa phần là người địa phương thông thạo địa bàn, sử dụng tiếng bản ngữ, am hiểu phong tục, tập quán, nhờ đó hiệu quả tuyên truyền của dự án được nâng cao”.
Phát huy vai trò của lực lượng làm cầu nối ý Đảng – lòng dân
Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở là nhiệm vụ chính trị căn bản được thể hiện nhất quán trong hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng ta, nhằm phát huy tối đa vai trò, vị trí của Nhân dân trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo và quan tâm của Tảng ủy, UBND tỉnh, đến năm 2023, số lượng người có uy tín trong toàn tỉnh đã đạt 191 người/191 thôn, bản vùng DTTS tại trên địa bàn 5 huyện miền núi.
Trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền. Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, kinh nghiệm và sự hiểu biết, am hiểu phong tục tập quán và thực tiễn địa phương, bằng những việc làm cụ thể đã gương mẫu thực hiện trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, những người có uy tín đã vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Xác định rõ vai trò, vị trí của người có uy tín và tầm quan trọng của họ đối với việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua “dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong mọi lĩnh của đời sống, khích lệ, động viên và nhân rộng các gương điển hình đi đầu trong công tác bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại địa phương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín tại cơ sở, để mỗi thôn, bản xuất hiện thêm nhiều cá nhân có uy tín “hiểu dân, gần dân, nghe dân nói và nói dân nghe”.
Đồng thời, không ngừng trao đổi, định hướng để người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức, kỹ năng theo sự vận động của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy vai trò của mình với cộng đồng.
Thu Thảo - Ngọc Anh