Sign In

Trần Đề và cuộc hành trình vươn ra biển lớn

09:12 26/04/2024
Sau 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề đã phát huy tốt truyền thống yêu nước, đồng lòng vượt qua khó khăn, tạo bước chuyển cơ bản từ một huyện thuần nông sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ một huyện khó khăn mới được thành lập, vươn lên trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh Sóc Trăng. Trải qua 14 năm thành lập, huyện Trần Đề đã “đánh thức” nhiều tiềm năng, ý Đảng thuận với lòng dân; nhiều dự án lớn, công trình giao thông mang tầm liên vùng, liên khu vực đang được tập trung triển khai... Tất cả là nền tảng quan trọng để Trần Đề tăng tốc bứt phá, phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế biển của tỉnh trong tương lai.

14 năm đồng lòng vượt khó.....

Huyện Trần Đề được thành lập vào năm 2010, từ sự điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai huyện Long Phú và Mỹ Xuyên. Là huyện ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng Trần Đề lại đi lên từ xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước năm 1995, trên 30.000 ha đất nông nghiệp của huyện bị nhiễm mặn, nhiễm mặn theo mùa, đặc biệt là cánh đồng năn với diện tích trên 15.000 ha gần như hoang sơ do mặn trên sông Mỹ Thanh tác động. Từ khi hệ thống đê biển, đê sông phát huy tác dụng, các dự án thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt; Dự án đê bao khép kín Phú Hữu – Mỹ Thanh đã hoàn thành, thì trên 24.300 ha đất lúa của huyện và 4.500 ha đất ven sông Mỹ Thanh và cửa Trần Đề được xác định dùng để nuôi thủy sản nước lợ. Thành tựu cải tạo nông nghiệp thành công to lớn nhất ở huyện Trần Đề phải nhắc đến chương trình cải tạo cánh đồng năn – một chủ trương cho phép quy hoạch lại vùng sản xuất thích ứng với đặc điểm của vùng nhiễm mặn và các biện pháp thủy lợi khống chế mặn hiệu quả nhất. Tiêu biểu là Dự án thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt đã chủ động điều tiết nguồn nước tưới tiêu phục vụ trồng trọt ở một địa bàn có diện tích trên 53.000 ha, đây được xem là một mô hình thủy lợi khép kín hiệu quả nhất ở giai đoạn hiện nay.


Người dân Trần Đề giàu lên từ kinh tế biển

 

Sau 14 năm thành lập, nhờ sự đầu tư xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi… vùng đất chết, cánh đồng năn và dải đất hoang hóa ven sông Mỹ Thanh giờ đã trở thành những cánh đồng tôm rộng hàng ngàn hecta, những cánh đồng canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao. Nông dân ở vùng đất khó năm nào, giờ rất tự hào trước sự đổi đời từ con tôm, từ cây lúa, tự hào sự thành công của công cuộc cách mạng nông nghiệp trên cánh đồng năn - một cuôc cách mạng giải phóng tình trạng đất đai bị hoang hóa và “giải phóng nghèo đói” trên vùng đất nhiễm mặn ven cửa Mỹ Thanh.

Đồng chí Đinh Thiên Cần - Nguyên Bí thư Huyện ủy Long Phú bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ, khi được đầu tư làm đê rồi sửa các cống lại thì mình có thể điều chỉnh mặn - ngọt. Bắt đầu có sự phân vùng rất rõ, vùng nào nuôi tôm thì mình lấy nước mặn vô, còn vùng nào trồng màu, trồng lúa thì mình lấy nước ngọt từ trên xuống. Lúc bấy giờ tình hình kinh tế - xã hội của vùng này phát triển lên rất rõ...”.

 Khai thác tiềm năng và lợi thế với chiều dài 12km bờ biển, huyện Trần Đề luôn xác định kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển luôn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, như: Cảng cá Trần Đề, Khu thương mại kinh tế biển Trần Đề, Bến cá Mỏ Ó… Cửa biển Trần Đề ngày nào là căn cứ của thuyền địch giờ đã trở thành cảng cá sầm uất, là điểm tập kết của nhiều ghe tàu đánh bắt, khai thác thủy hải sản trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Vùng đất ven biển nhiều phèn thừa mặn thuở nào, nay đã vươn lên trở thành địa phương đứng đầu của tỉnh về lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tính riêng trong năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 60.241,7 tấn, đạt 113,41% kế hoạch. Tính đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sơ chế, chế biến thủy hải sản. Mức tăng trưởng về sản lượng luân chuyển hàng hóa qua Cảng Trần Đề hằng năm bình quân trên 10% cho thấy sự phát triển của một hệ thống liên hoàn giữa đánh bắt, chế biến, dịch vụ nghề biển.

 Là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm 46,49% số toàn huyện, Trần Đề luôn quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Tranh thủ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã hỗ trợ dụng cụ duy trì sinh kế và chuyển đổi ngành nghề cho nhiều bà con Khmer, giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện cải thiện thu nhập. Theo đó, công tác đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo từng bước có nề nếp, không đầu tư theo hướng bình quân mà tìm mô hình và biện pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp với từng hộ. Từ những chính sách hỗ trợ nêu trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tác động tích cực hiệu quả chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm trên 1,5%/năm. Từ địa phương có xuất phát điểm thấp, Trần Đề hiện nay đã trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu tỉnh Sóc Trăng. Đời sống được cải thiện, người dân càng tin tưởng và thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao từ nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến cuối năm 2024, Trần Đề sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Diệp Văn Lẹ - ngụ ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề vui mừng chia sẻ về chính sách chăm lo của Đảng bộ và chính quyền địa phương dành cho vùng đồng bào dân tộc: “Tôi thấy Đảng, Nhà nước có sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc ở địa phương. Hằng năm luôn triển khai các chính sách chăm lo nhà cửa, vấn đề điện, nước, giúp vốn vay, hỗ trợ con giống. Hiện nay, cuộc sống của bà con đa số đều khấm khá hơn so với lúc trước”.

 Bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển, Huyện Trần Đề xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong 14 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục được tăng cường, các dự án giao thông được hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện luôn tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn đầu tư của tỉnh hoàn thành một số công trình trọng điểm. Trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động từ ngân sách địa phương đầu tư mới được 235 công trình, gồm: 84 công trình đường giao thông nông thôn, 29 công trình cầu giao thông nông thôn, 48 công trình trường học, 23 công trình thuỷ lợi và 51 công trình hạ tầng kỹ thuật khác; hoàn thành đưa vào sử dụng 164 công trình. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã đã và đang được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân và lưu thông hàng hóa.

Anh Phạm Văn Thạch, người dân sinh sống tại ấp Bưng Triết, huyện Trần Đề phấn khởi cho biết thêm: “Hơn 10 năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nâng cấp, xây mới nhiều tuyến đường. Bà con cảm thấy rất phấn khởi khi hiện nay đường đal đã được mở rộng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, điện cũng đã được bao phủ toàn huyện”.

Vươn mình ra biển lớn...

Hiện nay, Trần Đề là địa phương thuộc điểm cuối của Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) – đoạn qua tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, chiều dài hướng tuyến đoạn đi qua địa phận huyện là khoảng 25,74 km. Diện mạo của quê biển Trần Đề rồi sẽ thêm phần khang trang, đổi mới khi đường cao tốc đi qua. Tạo động lực và không gian kết nối, phát triển giữa địa phương và các tỉnh, thành trong khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.


Đường cao tốc, Cảng biển “đánh thức” tiềm năng kinh tế của huyện Trần Đề trong tương lai

 

Đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi được đầu tư xây dựng, Cảng biển Trần Đề sẽ là bước đi quan trọng dẫn đến việc hình thành một điểm kết nối hàng hải đầu mối cho cả vùng, góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, mở cánh cửa ra thế giới cho toàn vùng. Ngoài ra, Cảng biển Trần Đề còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, thúc đẩy đa ngành nghề, đa lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, kế thừa những thành quả đạt được sau 49 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III; Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, định hướng thành lập thị xã Trần Đề đến năm 2030.

Đồng chí Lưu Hữu Danh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trần Đề khẳng định: “Đạt được những thành tựu nổi bật trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, định hướng sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng; sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng; sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vì mục tiêu phát triển chung của huyện. Hướng tới, Đảng bộ và nhân dân Trần Đề sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Cụ thể, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản; phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Trần Đề đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đến năm 2025, thị trấn Trần Đề được công nhận đạt đô thị loại IV và định hướng phát triển huyện Trần Đề thành thị xã vào năm 2030. Hiện tại, Đảng bộ và nhân dân huyện Trần Đề đang đứng trước những cơ hội mới. Với những công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ quy hoạch, triển khai, cùng với đó là sự phát triển của hệ thống kho bãi, dịch vụ, hậu cần, hệ thống logistics, Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ mở ra không gian phát triển, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, sẽ từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân Trần Đề, hun đúc ý chí, khát vọng hướng tới tương lai”.

Về Trần Đề hôm nay, rất khó có thể tìm thấy những tàn tích của chiến tranh bởi ngày nay, vùng đất ven biển một thời ngun ngút trong bom đạn ngày nào, giờ đã có bước chuyển mình đầy ấn tượng. Những kết quả đạt được của huyện Trần Đề trong 14 năm qua đã minh chứng cho một bước tiến dài trên con đường xây dựng và phát triển. Quê biển Trần Đề hôm nay có những bước chuyển mình vượt bậc, mang đậm dấu ấn về sự gắn kết, đồng lòng giữa ý Đảng, lòng dân. Thành tựu đạt được trong hành trình trải dài gần 15 năm là động lực để toàn Đảng, toàn dân huyện nhà tiếp tục hợp sức tạo nên bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh.

Phát huy truyền thống cách mạng, kế thừa những thành tựu đạt được sau 14 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Trần Đề tự tin bước vào giai đoạn mới, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn và thách thức, tiếp tục phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương Trần Đề phát triển nhanh, bền vững.

Ngọc Thơ

Tag:

File đính kèm