Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi kiểm tra
Tại buổi làm việc, đoàn tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị và khảo sát việc áp dụng pháp luật trong thi hành án dân sự tại địa phương.
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố Sóc Trăng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đặc biệt quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện chưa đi vào chiều sâu, chưa trở thành ý thức tự giác mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát nhất là kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là khâu yếu.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của thành phố Sóc Trăng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, địa phương và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải có lòng tự trọng, tính liêm khiết trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng. Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư tạp kéo dài, đơn thư vượt cấp; làm tốt hơn nữa việc áp dụng pháp luật trong thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế địa phương./.
Thanh Tâm