Sign In

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nói không với tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước

05:48 29/07/2024
STO - Cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng được thiết lập bởi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được triển khai trong cả hệ thống chính trị, trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước và toàn xã hội; với quan điểm phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa và xử lý triệt để cả “ngọn” lẫn “gốc”, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Ở Sóc Trăng, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ và có sự quan tâm đối với khu vực ngoài nhà nước để xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân.

Sóc Trăng đã, đang “mở cửa” kêu gọi đầu tư và hợp tác, đổi mới phát triển kinh tế. Từ đó, các thành phần kinh tế tư nhân cũng ngày càng phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh những đóng góp quan trọng đó vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nhiều vấn đề như vi phạm, tham nhũng, tiêu cực. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Hiện nay, việc tham nhũng, tiêu cực không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhà nước mà còn xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân. Những hành vi này gồm: lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản; thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Theo các chuyên gia kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tư sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. Chính vì vậy, việc phòng, chống, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trong khu vực ngoài nhà nước là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Ông Đậu Đức Hiển - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Sóc Trăng cho biết, công ty thuộc loại hình doanh nghiệp cổ phần với các lĩnh vực hoạt động: vệ sinh môi trường, quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng công cộng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, các lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi; kinh doanh dịch vụ, mua bán các thiết bị liên quan đến lĩnh vực môi trường; sản xuất kinh doanh gạch vỉa hè... Là một doanh nghiệp đặc thù, hoạt động nhiều lĩnh vực, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Công ty luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khi đó, Đảng ủy Công ty quan tâm chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể người lao động xây dựng kế hoạch; tạo điều kiện để các đoàn thể thường xuyên giám sát các hoạt động của từng đơn vị, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc thực hiện quy chế chi tiêu tài chính để kịp thời chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí.

Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Sóc Trăng còn thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; tăng cường quán triệt đến người có chức vụ, quyền hạn trong đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội phải nghiêm túc chấp hành các quy tắc ứng xử, chuẩn mực. Quan trọng, công ty luôn thực hiện tốt quy chế tài chính, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng quản trị và xin ý kiến cổ đông trong việc đầu tư mua sắm tài sản, phân chia lợi nhuận để đi đến thống nhất. Do vậy, những năm qua không có trường hợp xung đột về lợi ích giữa cổ đông trong công ty; quá trình hoạt động, Ban lãnh đạo thường xuyên kiểm soát những vấn đề phát sinh vướng mắc trong điều lệ, quy chế, quy trình công việc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và đúng quy định pháp luật. Tất cả đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi tức, tạo động lực để người lao động an tâm công tác.

Nhưng doanh nghiệp tư nhân với nhiều gánh nặng cần phải lo nên đôi lúc chưa thật sự quan tâm đến việc triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định về phòng, chống tham nhũng. Theo ông Danh Thiên - Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Sóc Trăng, phần lớn thời gian doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, việc tập hợp đảng viên, người lao động để quán triệt, tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Do vậy, chi bộ, công ty chỉ tuyên truyền bằng hình thức thông qua nhóm Zalo và có chọn lọc, gửi vào nhóm những văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến người lao động. Công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ chỉ tập trung vào nội dung thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, còn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chưa được quan tâm nhiều.

 Đoàn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng thực hiện giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: SỚM MAI

 

Cũng theo các chuyên gia, trong kinh doanh, doanh nghiệp được nhìn nhận đóng vai trò như “mắt xích kép” - vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân với cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp đã từng xảy ra. Do vậy, vấn đề phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước vẫn là vấn đề cần thiết với những giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong tháng 6/2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng đã thành lập đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Qua đó, nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, có giải pháp tháo gỡ.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đồng thời, kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý...

Phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh là trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của Nhà nước. Cũng cần xác định rõ là việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, tạo điều kiện chứ không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, tránh tình trạng hành chính hóa việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực này, ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

SỚM MAI

Tag:

File đính kèm