Sign In

Huyện Trần Đề phát huy vai trò tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Khmer

06:22 24/11/2024
STO - Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) ngày càng phát triển. Diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều đổi thay rõ nét. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ huyện Trần Đề đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là phát huy tốt vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kỳ 1: Chăm lo từ cơ sở

Là nơi gần gũi, sâu sát với nhân dân, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện Trần Đề không chỉ là cánh tay nối dài của Ðảng, mà còn phát huy tinh thần trách nhiệm, chăm lo đời sống nhân dân.

Đảng viên giúp hộ nghèo

Đón lễ Sene Đôn Ta năm 2024 trong niềm vui xóm ấp, bà Lâm Thị Hoàng ở ấp Ngang Rô 2, xã Đại Ân 2 đã an tâm hơn hẳn, bởi ngôi nhà xập xệ nhiều năm qua đã được thay thế bằng ngôi nhà tường kiên cố với diện tích 40m2.

Là hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà Hoàng có nguồn thu nhập rất bấp bênh vì chỉ đi làm thuê theo thời vụ. Vì vậy, được hỗ trợ xây dựng nhà mới là niềm vui của 4 thành viên trong gia đình.

Bà Lâm Thị Hoàng cho biết: 

Căn nhà có kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng do nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình chúng tôi từ sự giới thiệu của lãnh đạo xã và mấy chú cán bộ ấp. Không chỉ vậy, cán bộ ấp còn hỗ trợ gạo cho gia đình chúng tôi để cuộc sống no ấm hơn.

Ngan Rô 2 là ấp có hơn 40% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Với vai trò là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, Chi bộ ấp Ngan Rô 2 đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong ấp, góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân nơi đây. Chi bộ cũng kêu gọi các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để hỗ trợ vật chất cho các hộ nghèo, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Ngoài nguồn lực này, các đảng viên trong Chi bộ ấp Ngan Rô 2 còn tự nguyện đóng góp quỹ hằng tháng để hỗ trợ nhu yếu phẩm là gạo, mì, gia vị cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở ấp.

Đồng chí Tô Nghi Thến - Bí thư Chi bộ ấp Ngan Rô 2 cho biết, hoạt động này đã duy trì được hơn 1 năm. Trên tinh thần tự nguyện và tùy khả năng đóng góp của từng đảng viên, tập thể chi bộ sẽ bàn bạc, xét chọn các hộ thuộc diện hỗ trợ là những người không có đất sản xuất, sức khỏe yếu để đến tận nhà trao hỗ trợ nhu yếu phẩm, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Từ tháng 8/2023 đến nay, các đảng viên trong chi bộ đã hỗ trợ cho 19 hộ với gần 200kg gạo và 6 thùng mì với tổng số tiền gần 5 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ ấp Ngan Rô 2 Tô Nghi Thến (bên phải) đến thăm hỏi đời sống gia đình bà Lâm Thị Hoàng. Ảnh: HẢI HÀ

Thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, Chi bộ ấp Ngan Rô 2 đã góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân ở ấp cũng đem lại hiệu quả cao, tạo ra sự đồng thuận của nhân dân, góp sức thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra.

Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Trần Đề là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Dân tộc Kinh chiếm 47%, dân tộc Khmer chiếm 49,35%, dân tộc Hoa chiếm 3,5% và dân tộc khác chiếm 0,15%. Do vậy, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 1.381 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 42,27% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số 642 người, chiếm tỷ lệ 45,6% số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện. Trong đó, cán bộ chủ chốt là dân tộc thiểu số các xã, thị trấn có 49 đồng chí.

Theo đồng chí Khưu Đăng Phượng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Đề, trong thời gian qua, các tổ chức đảng trong vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước đi sau” đã phát huy vai trò của đảng viên trong việc gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất. Nhiều đảng viên đã thể hiện được khả năng, năng lực tham gia đóng góp được nhiều ý kiến giá trị trong các cuộc họp, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng chính quyền ngày càng phát triển.

 
Đồng chí Dương Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Viên Bình (bìa trái) trao đổi với ông Thạch Sọi về việc vận động người dân thực hiện các phong trào ở địa phương. Ảnh: HẢI HÀ

Tại xã Viên Bình, nơi có trên 74% dân số là người Khmer sinh sống, Đảng bộ xã Viên Bình luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Xã đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chuỗi giá trị.

Theo đồng chí Dương Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Viên Bình, việc chuyển đổi từ các giống lúa thường kém hiệu quả sang các giống lúa đặc sản, chất lượng cao, gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đạt được nhiều kết quả đáng kể, tăng dần qua từng năm, diện tích và sản lượng lúa đặc sản đều đạt và vượt kế hoạch. Trong năm 2023, lúa thơm, lúa đặc sản đạt 97,73% tổng sản lượng. Thực hiện các hình thức liên kết tiêu thụ từ các doanh nghiệp, đại lý, thương lái, hợp tác xã trong 2 vụ lúa của năm 2023 có trên 4.000ha được ký hợp đồng liên kết bao tiêu, chiếm 79,31% tổng diện tích, tăng 40,35% so với năm 2020.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã được nâng lên, cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đạt được kết quả đó, xã Viên Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Đặc biệt là phát huy vai trò của đảng viên, người có uy tín ở địa phương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tích cực lao động sản xuất. Ảnh: HẢI HÀ

Là người được nhân dân ở ấp tín nhiệm cao, đảng viên Thạch Sọi ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình đã vận dụng linh hoạt phương pháp vận động, tuyên truyền để nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức xây dựng quê hương. Đồng thời tham gia công tác xã hội, nhất là tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Bản thân ông đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng 18 cầu bê tông và nhiều căn nhà tình thương; giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo và các em học sinh nghèo hiếu học.

Ông Thạch Sọi bộc bạch:

Được người dân và chính quyền địa phương tín nhiệm, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải tích cực vận động đồng bào chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển.

Phát huy tốt vai trò của các tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị trong toàn Đảng bộ huyện Trần Đề đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.

HẢI HÀ

(Còn tiếp)

Tag:

File đính kèm