Sign In

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm nhìn và khát vọng khai thác các lợi thế vào phát triển nông nghiệp và du lịch

17:13 06/06/2024
(sonla.gov.vn) Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg. Đây là kết quả của quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Sơn La.

anh tin bai

Ảnh minh họa.

Nhận diện những tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh, tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Sơn La đã có định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn và khát vọng phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo là nền tảng, các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và du lịch là mũi nhọn đột phá.

Quy hoạch đã đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước. Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch. Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Quy hoạch tỉnh đã tích hợp toàn bộ các nội dung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Quy hoạch đã hoạch định rõ tổ chức không gian phát triển “bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển”.

Trong đó, Bốn vùng kinh tế gồm: vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh của tỉnh.

Phát triển hai cực tăng trưởng gồm: vùng đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Sơn La - Hát Lót) với thành phố Sơn La là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh, đô thị cửa ngõ như các thị trấn: Hát Lót, Thuận Châu, Yên Châu, Ít Ong và Sông Mã, đây là cực có vị thế chủ đạo, đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; trung tâm đô thị phía Đông Nam (đô thị Mộc Châu và thị trấn Vân Hồ) với hạt nhân là đô thị Mộc Châu (phạm vi toàn huyện) gắn với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và các vùng phụ cận, là trung tâm du lịch dịch vụ và có tiềm năng phát triển thành trung tâm du lịch lớn của vùng Tây Bắc với tính chất nông nghiệp - du lịch và hành chính - dịch vụ - công nghiệp.

Sáu hành lang phát triển, trong đó: Phát triển 03 hành lang động lực chủ đạo: hành lang quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đi qua địa bàn các huyện và thị trấn từ Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) - thị trấn Vân Hồ, Mộc Châu - thị trấn Yên Châu - thị trấn Hát Lót - thành phố Sơn La - thị trấn Thuận Châu - thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có vai trò kết nối tỉnh Sơn La với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên … là trục hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hành lang quốc lộ 279D và quốc lộ 4G đi qua các huyện và thị trấn từ Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) - thị trấn Ít Ong (Mường La) - thành phố Sơn La - thị trấn Sông Mã - thị trấn Sốp Cộp - Sầm Nưa (Lào), giúp kết nối thuận lợi phía Đông Bắc (tỉnh Yên Bái) và Tây Nam (Lào), có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, năng lượng; hành lang quốc lộ 43 kết nối và đi qua các huyện và thị trấn từ Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) - Phù Yên - Mộc Châu - Lóng Sập - Lào là hành lang kinh tế từ Khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập giao cắt với đường huyết mạch quốc gia (Quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), thuận lợi về giao thương liên vùng quốc gia và quốc tế, là nơi có lợi thế phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics.

Phát triển 03 hành lang động lực thứ cấp: hành lang sông Đà đi qua các huyện và thị trấn từ Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) - thị trấn Phù Yên - thị trấn Bắc Yên - thị trấn Mường La - thị trấn Quỳnh Nhai - thị trấn Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); hành lang sông Mã đi qua các huyện và thị trấn từ cửa khẩu Chiềng Khương - thị trấn Sông Mã - thị trấn Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); hành lang cao tốc (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) và quốc lộ 279 đi qua các huyện và thị trấn từ thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên) - thị trấn Thuận Châu - Quỳnh Nhai - Mường La - Sơn La có vai trò kết nối các địa phương của tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La.

Tại Quy hoạch cũng đề các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, đó là: Nâng cao hiệu quả tận dụng các cam kết kinh tế quốc tế, trong đó có hợp tác FTA. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, khu công nghiệp Mai Sơn, khu công nghiệp Vân Hồ và các khu, cụm kinh tế chuyên ngành khác; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa; tăng cường kiểm soát các khu vực cần bảo tồn, khu vực nhạy cảm về môi trường, ngăn ngừa các hiểm họa thiên tai và các thảm họa khác do con người gây ra; tăng cường cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn.

Diệp Hương

Tag:

File đính kèm