Sign In

Phương hướng đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

08:08 28/03/2024
Phương hướng đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng


Dự báo tình hình năm 2024 và giai đoạn 2024-2026

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những biến động phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song gặp nhiều thách thức hơn. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ hơn, cạnh tranh chiến lược và phân tuyến giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền nước lớn, chạy đua vũ trang, liên kết quân sự, xung đột cục bộ làm tăng rủi ro, bất ổn đối với an ninh toàn cầu và khu vực.

Xu thế toàn cầu hóa, liên kết kinh tế có nhiều điều chỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhiều rủi ro. Các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động sâu rộng hơn tới các quốc gia. Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục giữ vị trí chiến lược quan trọng. ASEAN tiếp tục được các nước coi trọng song gặp nhiều thách thức trong việc củng cố đoàn kết nội khối và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Tình hình Biển Đông và một số điểm nóng trong khu vực (bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan...) tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tình hình quốc tế nói trên có cả mặt thuận và không thuận, tạo ra cơ hội và thách thức đan xen, tác động trực tiếp và ngày càng sâu rộng đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Thuận lợi cơ bản là đường lối đối ngoại đúng đắn của Đại hội XIII nhận được sự thống nhất, đồng thuận ngày càng cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thế và lực mới của đất nước trên trường quốc tế; kết quả công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc về đối ngoại sau gần 40 năm đổi mới; các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống đều coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam; xu hướng phục hồi kinh tế - xã hội trên thế giới, các liên kết mới, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mở ra cơ hội cho hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Khó khăn, thách thức lớn là môi trường quốc tế bất ổn, bất định gia tăng trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn, năng lực tự chủ còn hạn chế; chủ nghĩa cường quyền, cạnh tranh chiến lược gay gắt hơn giữa các nước lớn gây sức ép lớn hơn; các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp diễn gay gắt, đòi hỏi nhiều nguồn lực để xử lý. Các thế lực thù địch, cơ hội vẫn luôn tìm mọi cách chống phá.

Mục tiêu của đối ngoại Việt Nam

Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo được đề ra trong Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, phát huy cao độ thế và lực của đất nước, công tác đối ngoại từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tập trung vào các mục tiêu sau: Tiếp tục củng cố vững chắc hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Tận dụng hiệu quả các yếu tố quốc tế thuận lợi và huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2025, 2030 và 2045 mà Đại hội XIII đề ra; Không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Phương hướng triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ thời cơ chiến lược từ đà phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm, nâng cấp trong những năm qua, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng không gian phát triển cho đất nước.

Thứ hai, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với giữ vững hòa bình, ổn định cho phát triển. Tăng cường phối hợp với các nước, đối tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống (an ninh nguồn nước, an ninh mạng, ứng phó biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia...). Chủ động, kịp thời phát hiện, đập tan các âm mưu, hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Triển khai chủ động, hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác. Tranh thủ tối đa, hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký, các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dịch chuyển chuỗi đầu tư, cung ứng, đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao, phát huy thế lực mới và các nguồn lực bên ngoài để tham gia hiệu quả các chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Bên cạnh các thị trường truyền thống, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ-Latinh...).

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong tham gia và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chủ động, tích cực xây dựng, định hình các cơ chế, chuẩn mực luật pháp quốc tế, cải tổ các định chế quản trị toàn cầu và khu vực. Thúc đẩy hợp tác đa phương trong các lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi ích, nhất là chống biến đổi khí hậu, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực... Tăng cường đưa cán bộ, chuyên gia Việt Nam vào làm việc trong các tổ chức quốc tế.

Thứ năm, phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm Việt Nam thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại; thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới (nhất là qua các hoạt động kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao, các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài). Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin - đối ngoại, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái. Xây dựng, triển khai các chính sách, biện pháp tổng thể, lâu dài để chăm lo, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo với đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Kịp thời đề xuất giải pháp và thực hiện tốt việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai.

Thứ sáu, phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao năng lực, kỹ năng và mở rộng biên chế đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.

(hết)

Phong Lưu (TH)

Tag:

File đính kèm