Là vùng cao của huyện Mai Sơn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50,8%. Đảng bộ xã có 24 chi bộ, với 246 đảng viên. Đồng chí Hoàng Mạnh Lân, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Thực hiện các khâu đột phá, Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí đảng ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ cơ sở nắm tình hình và đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, có sổ ghi danh những cá nhân, tập thể làm tốt để biểu dương, nhân rộng, là một trong những tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm. Tại các bản, thành lập tổ công tác phụ trách tất cả các đầu việc chung và chịu trách nhiệm trước chi bộ.
Cụ thể hóa khâu đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND xã Phiêng Cằm đã thành lập tổ công tác trực tiếp hướng dẫn nhân dân sản xuất theo mùa vụ, áp dụng công nghệ vào sản xuất; thường xuyên tổ chức các cuộc tham quan, học tập mô hình kinh tế tại các xã trên địa bàn huyện; tập trung xây dựng các mô hình kinh tế. Đồng thời, phát động phong trào “Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”.
Ông Cầm Văn Bun, Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, thông tin: Trong 3 năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi gần 500 ha đất trồng ngô, lúa nương sang trồng cây chè, cà phê; trồng trên 200 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, mận, hồng, chanh leo, dâu tây... Xã đã định hình những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, như cam đường canh, chanh leo. Đặc biệt với cây chè, nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP.
Gia đình anh Sùng A Chịa, bản Nong Tầu Mông, là một trong những điển hình trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Xuất phát điểm là hộ nghèo của bản, sau các chuyến tham quan học tập các mô hình kinh tế do xã tổ chức, năm 2016, anh Chịa đã chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 400 gốc cam đường canh. Sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam sinh trưởng phát triển tốt, trung bình cho thu hoạch 15-20 kg quả/cây.
Anh Chịa cho biết: Nhận thấy giá trị cây cam mang lại, năm 2019, gia đình tiếp tục chuyển đổi 1,5 ha trồng ngô sang trồng cam đường canh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục và phân hữu cơ bón cho cây. Đến năm 2021, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Nhờ đó, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, mẫu mã, chất lượng quả đẹp, sản lượng đạt 12-15 tấn quả/năm, bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg, thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Thực hiện khâu đột phá huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, xã Phiêng Cằm huy động nguồn lực và đóng góp của nhân dân trong việc đầu tư xây dựng các công trình gắn với thực hiện 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn đề ra; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống đường giao thông đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản, ngày công, kinh phí làm đường giao thông, xây dựng công trình thủy lợi, nhà văn hóa.
Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Phiêng Cằm đã được đầu tư 4,2 tỷ đồng, đổ bê tông 3,8 km đường liên bản Nong Tầu Mông - Nong Xà Nghè - Huổi Nhả. Ông Mòng Văn Văn, Bí thư chi bộ bản Nong Xà Nghè, chia sẻ: Có đường, nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm. Bà con tự nguyện chặt bỏ cây cối, hiến gần 500 m² đất, đóng góp gần 100 triệu đồng, phá bỏ nhiều công trình kiên cố, tường rào, cây ăn quả, hoa màu để mở rộng đường và xây cổng chào bản kiên cố. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Tiếp tục thực hiện các khâu đột phá đã đề ra, Đảng ủy xã Phiêng Cằm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại các bản; tranh thủ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động nhân dân đầu tư kết cấu hạ tầng..., góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Nguyễn Yến