Sign In

Chuyện kể về Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Sơn La

08:12 02/04/2024
Đến thăm và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tường Vân, nguyên là cán bộ Bảo Tàng Hồ Chí Minh, con gái cả của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại nhà riêng ở phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, được nghe bà kể về cha mình - Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Sơn La.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện năm 1976. Ảnh: dangcongsan.vn

Bà Tường Vân kể: Cha tôi nguyên là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, sinh năm 1904, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Năm 19 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, theo học lớp tập huấn chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ông nhiều lần bị địch bắt, giam giữ, đấu tranh, trốn thoát ông lại tiếp tục tham gia hoạt động. Năm 1933, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và đày lên Nhà ngục Sơn La năm 1935 (ông là tù nhân lâu năm nhất trong nhà tù của thực dân Pháp ở Tây Bắc).

Năm 1943, được Chi bộ Đảng tại nhà tù bố trí cho 4 người, trong đó có ông vượt ngục, chuyến đi thành công về xuôi bắt liên lạc tiếp tục hoạt động đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Lúc sinh thời, cha tôi luôn sống cuộc đời thanh bạch, hết lòng vì nước, vì dân, cống hiến, tận tâm cho sự nghiệp cách mạng. Ông đã học Bác Hồ về đạo đức cách mạng là suốt đời sống “ngoài vòng danh lợi”. Từ năm 1969 ông được Trung ương đề nghị giữ chức Phó Chủ tịch nước cho đến khi ông mất năm 1979, hưởng thọ 76 tuổi.

Ở Sơn La - Chi bộ Cộng sản đầu tiên thành lập từ những người cộng sản bị giam cầm tại đây, sự kiện ấy không những đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Sơn La, mà còn đánh dấu giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng ở Sơn La cho cả sau này, đưa phong trào cách mạng Sơn La hòa nhập chung phong trào cách mạng cả nước. Đồng thời, khẳng định ý chí của những người cộng sản dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì mục tiêu cách mạng mà họ đã theo đuổi không hề thay đổi. Một trong những người tù cộng sản tham gia tích cực vào cuộc vận động cho sự ra đời của chi bộ cộng sản là cha tôi - đồng chí Nguyễn Lương Bằng, vì ông là tù nhân có thâm niên nhiều nhất ở nơi đây, hơn 8 năm (5/1935-8/1943).

Khi bị đày lên ngục Sơn La, nơi “rừng thiêng nước độc”, dù hoạt động ở Ủy ban nhà tù hay trong Chi bộ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đem nhiệt huyết, tận tâm vào công việc được giao phó. Ông luôn là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống của tù nhân, chống chế độ hà khắc của nhà tù, dù cai ngục tàn bạo đến đâu thì đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn bất khuất và tinh thần lạc quan cách mạng. Suốt những thời gian bị giam cầm, bị tra tấn dã man, trong nhiều nhà tù ở nhiều nơi của thực dân Pháp, cha tôi luôn nhớ những lời dặn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, luôn chiến đấu kiên cường, giữ vững khí tiết người cộng sản trước kẻ thù, bất kỳ ở đâu cũng thực hiện tuyên truyền, xây dựng lực lượng cách mạng, bền bỉ hoạt động trong tổ chức bí mật ở nhà tù. Nhiều cán bộ, bạn tù mãi nhớ sự chăm sóc ân cần khi đau ốm, sẻ cơm nhường áo khi đói rét của đồng chí Sao Đỏ - Anh Cả - Nguyễn Lương Bằng với đồng chí, anh em cùng cảnh ngộ. 

Ông luôn nhớ ơn những người đồng chí đã cùng “vào sinh ra tử” và cũng không quên mình khi đã thoát khỏi cảnh ngục tù, khi bị đày lên ngục, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ghi lại trong hồi ký của mình: “Anh em đồng chí ra, về hoạt động vẫn nghĩ đến tôi. Tết năm 1937 gửi quà lên cho tôi to lắm. Rồi gửi báo của ta lên cho tôi xem. Báo gửi lên qua địa chỉ hai anh thợ điện cảm tình Đảng ở Sơn La. Hai anh nhận báo, công phu lắm mới chuyển được cho tôi: Hai anh bỏ báo vào một hộp bánh bích quy sơn hắc ín, chôn ở chân cầu bản Giảng, ngay đầu thị xã Sơn La. Tuần lễ hai lần, tôi được ra suối tắm, đến chân cầu bản Giảng... bới đất đào lên lấy báo, rồi lại đặt hộp bích quy vào chỗ cũ. Cứ thế suốt 3 năm trời, tôi nhận được đều… Nhờ được đọc báo, tôi luôn luôn được cảm thấy, dù giữa cảnh lẻ loi trong tù, mình vẫn được gắn liền với Đảng, nghe thấy hơi thở của phong trào đang mỗi ngày một lớn mạnh… Quả nhờ có báo anh em gửi lên, tôi nuôi dưỡng được tinh thần phấn đấu, thắng được tư tưởng bi quan đôi khi nhoi lên trong cảnh tù đày cô đơn nơi rừng xanh nước độc". 1

Trong Hồi ký cách mạng "Niềm tin là sức mạnh " đồng chí Văn Tiến Dũng đã kể lại: "Một cuộc họp đầu tiên của những người cộng sản mới đến và đã ở trại từ trước được triệu tập, quyết định thành lập chi bộ Đảng gồm có: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc, Văn Tiến Dũng, Hoàng Đình Giong, do anh Bằng làm Bí thư."[1] Vì thế, Ủy ban nhà tù và Chi bộ Đảng ở nhà tù cũng được tổ chức lại, quy mô hơn, chặt chẽ hơn. Chính “những kinh nghiệm tổ chức ở nhà tù Sơn La là cơ sở giúp anh em sau này biết tổ chức các Ủy ban sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công”. [2]

Với chúng tôi, kỷ niệm đáng nhớ về cha là thời kỳ Hà Nội bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt trong đầu năm 1970. Cứ mỗi dịp cuối tuần trên các chuyến xe từ nội thành về vùng sơ tán người ta lại bắt gặp một người đàn ông trung niên ăn mặc giản dị bắt xe khách cùng đi như những người bình thường khác và cũng nhiều lần ông cũng phải chịu cảnh đứng chen chúc với mọi người trên xe để về vùng sơ tán thăm con gái, không một ai nhận ra đó là Phó Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Lương Bằng. Sau này khi có người phát hiện ra, trở thành chuyện bàn tán ở bến xe, câu chuyện được một nhà báo biết đến và viết lại đăng trên báo thì cán bộ dưới quyền ông ở Phủ Chủ tịch mới biết hốt hoảng hỏi ông tại sao không bảo lái xe đưa đi, ông vừa bình thản, vừa tỏ ra ngạc nhiên: “Đấy là ngày nghỉ chứ đâu phải là ngày hành chính mà tôi có quyền lấy xe. Vả lại tôi đi thăm con, là đi làm việc riêng chứ đâu phải làm việc công mà dám xin xe”. Câu chuyện về vị Phó Chủ tịch nước đi xe khách là giai thoại khi kể nói về ông, đã trở thành tấm gương, là bài học cho chúng tôi và cho nhiều thế hệ cán bộ cách mạng sau này thể hiện đạo đức cách mạng: Chí công vô tư.

Vì vậy, khi nói về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “Bình sinh chính trực, khiêm tốn, giấu mình, vùi đầu vào công việc, coi trọng của công, không mảy may vụ lợi, mưu danh, sau khi qua đời, ông chỉ để lại một tấm gương, một tiếng thơm. Giống như bông sen, không bị bùn đen vấy bẩn. Khi hoa tàn nhị vừa, màu đỏ vẫn tươi thắm. Ông thật xứng đáng với cái tên ngôi Sao Đỏ”[3]

Tự hào thay thành phố Sơn La cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước có một con đường mang tên ông - Nguyễn Lương Bằng - nhà cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1 Nhân dân ta rất anh hùng, NXB Văn học, Hà Nội, 1976, Tr.55.

2 Suối reo năm ấy, Hồi ký cách mạng, trích "Niềm tin là sức mạnh" - Văn Tiến Dũng, Bảo tàng cách mạng Việt Nam - Bảo tàng Sơn La, Nxb Văn hóa Thông tin, H.1993, tr.48.

 3 Anh Cả - Nguyễn Lương Bằng, Nxb Thông tấn, H, 2009, tr.167.

Thái Hà (ghi theo lời kể của bà Tường Vân)

Tag:

File đính kèm