Sign In

Chủ động giám sát và phản biện xã hội từ cơ sở

08:00 23/08/2024
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận trong toàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội.


Tập huấn nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho các thành viên mặt trận huyện Phù Yên.

 

Ông Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Trung ương MTTQ Việt Nam chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp thực tế địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hiệp thương thống nhất chương trình giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, xin chủ trương cấp ủy cùng cấp ban hành kế hoạch giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Giai đoạn 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì thực hiện 1.883 cuộc giám sát. Trong đó, cấp tỉnh chủ trì giám sát 19 cuộc; cấp huyện chủ trì 358 cuộc; cấp xã 1.506 cuộc. Riêng các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, chủ trì giám sát 81 cuộc. Nội dung các cuộc giám sát tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách hành chính; hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm; thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các cơ quan quản lý nhà nước; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Các cuộc giám sát thực hiện theo nguyên tắc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm và có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Yên, chia sẻ: Giai đoạn 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thành lập đoàn giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư đối với Chủ tịch UBND xã Huy Hạ và  Bắc Phong. Qua giám sát, đã chỉ ra những mặt được, chưa được, giúp người được giám sát khắc phục hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cấp huyện tổ chức 853 hội nghị phản biện xã hội; gửi 2.632 dự thảo văn bản phản biện xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phản biện xã hội 1 cuộc, do Hội LHPN tỉnh chủ trì. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, còn tham gia ý kiến vào 5.673 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác. Trong đó, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi một số dự thảo luật và được các cấp, các ngành, nhân dân tích cực tham gia, như dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở có 2.881 ý kiến tham gia, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 165 ý kiến tham gia.

Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh “Về chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Hội nghị nhận được 8 ý kiến về lĩnh vực này. Bà Bùi Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Các ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt chương trình cấp tiểu học và các cấp học tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thêm những giáo viên dạy các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh chưa qua mẫu giáo theo quy định và những giáo viên dạy các tiết tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trong năm học, phù hợp điều kiện địa phương.

MTTQ các cấp còn chú trọng củng cố, kiện toàn ban giám sát đầu tư cộng đồng. Toàn tỉnh đang có 3.507 ban giám sát đầu tư cộng đồng, với 5.415 lượt thành viên. Trong 5 năm qua, đã tổ chức giám sát 5.735 cuộc, tập trung giám sát việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, giám sát thi công các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình.

Tập trung đổi mới nội dung, phương thức giám sát và phản biện xã hội, MTTQ các cấp tiếp tục triển khai theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, khách quan, trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm... góp phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Khải Hoàn

Tag:

File đính kèm