Về xã Mường Lựm, dọc hai bên đường vào xã là những cánh rừng nguyên sinh, đồng lúa xanh tốt trải rộng. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Lựm luôn đoàn kết, xây dựng quê hương đổi mới. Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Văn Phớ, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lựm giai đoạn năm 1973-1994. Năm nay, bước sang tuổi 84, gần 55 năm tuổi Đảng, nhưng ông còn khá minh mẫn. Tự hào với những trang sử vẻ vang của quê hương, ông Phớ nói: Theo tiếng Thái, Mường Lựm có nghĩa là vùng đất bị lãng quên, vì nằm tách biệt, xa trung tâm huyện, ra vào chỉ có con đường mòn rất hiểm trở, phải qua nhiều đèo cao, suối sâu. Sau khi chiếm lại Sơn La, tại xã, quân lính Pháp cho xây dựng đồn bốt, thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, cướp phá, khiến cho nhân dân vô cùng căm phẫn. Tuy nghèo khổ, nhưng bà con luôn bền gan, quyết chí đi theo Đảng, nuôi giấu, chở che cán bộ.
Cách nhà ông Phớ hơn 500 m, cây đa Nóng Luông vẫn tỏa bóng xanh mát. Nơi đây, vào ngày 11/6/1948, Chi bộ Yên Châu được thành lập, gồm 4 người, đồng chí Trần Quang Hòa được chỉ định làm Bí thư. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đảng viên của chi bộ đã tuyên truyền, vận động nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, khai hoang trồng lúa, ngô; cùng thanh niên xung phong mở đường về xã để đi lại thuận tiện hơn, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần thống nhất đất nước. Với những giá trị lịch sử, năm 2018, địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đã 76 năm trôi qua, nhưng câu chuyện lịch sử về cây đa Nóng Luông, những hòn đá được xếp theo vòng tròn, nơi các đảng viên đầu tiên của huyện ngồi họp, những lần phá đồn bốt địch trên đồi Pom Đôi..., vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Mường Lựm. Từ 4 đảng viên ban đầu, đến nay, Đảng bộ xã có hơn 260 đảng viên, tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, phát huy vai trò của người đảng viên, cùng nhân dân xây dựng bản mường ngày càng phát triển.
Đồng chí Quàng Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm, cho biết: Với 7 bản, 100% là đồng bào dân tộc Thái, Mông cùng sinh sống, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, phù hợp vào sản xuất. Tận dụng nguồn nước dồi dào của suối Huổi Luông, hồ Lốm, với diện tích mặt nước gần 30 ha, bà con trong xã chú trọng nuôi trồng thủy sản và canh tác trên 60 ha lúa nước, chủ yếu trồng giống lúa đặc sản nếp tan Mắc Đươi, đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Bà con còn chuyển đổi gần 300 ha cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng mận hậu, xoài, nhãn, chanh leo, với sản lượng đạt 1.000 tấn quả/năm; trồng 30 ha chè; tập trung chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ, để chủ động nguồn thức ăn cho trên 40.000 con gia súc, gia cầm các loại.
Ôn Ốc là bản đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, với lợi thế khí hậu mát mẻ, bà con tích cực đưa cây mận hậu, chanh leo vào trồng; đặc biệt, bản đã vận động nhân dân lưu giữ hơn 500 cây chè cổ thụ hàng trăm năm và trồng mới 1.000 cây chè shan tuyết.
Là hộ sở hữu 100 cây chè shan tuyết cổ thụ và liên kết với các hộ gia đình phát triển trồng chè, anh Vừ A Tống, bản Ôn Ốc, cho biết: Được chính quyền xã hướng dẫn cách đốn tỉa, chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cây chè của gia đình luôn đảm bảo chất lượng, năng suất; mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1,4 tấn búp tươi. Hiện nay, gia đình đang liên kết vườn chè cổ thụ của 10 hộ dân trong bản, chăm sóc, thu hái, sao chè cho các HTX đóng gói; tạo việc làm và thu nhập cho bà con.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xã tích cực đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tất cả 7 bản của xã có nhà văn hóa kiên cố; hơn 80% kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện; 90% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-5%/năm...
Với sự nỗ lực đoàn kết, đồng lòng vượt khó của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, vùng quê cách mạng Mường Lựm đang đổi thay từng ngày. Để Mường Lựm tiếp tục vươn lên phát triển, huyện Yên Châu đang hỗ trợ đầu tư thông qua các chương trình dự án, xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã đến xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng tại các hồ gắn với tiềm năng phát triển du lịch... Đây sẽ là đòn bẩy giúp xã giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Bài, ảnh: Thanh Huyền