Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp.
Báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết, kỳ họp khai mạc vào ngày 20.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 28.6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 11 dự án luật; xem xét quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại các đợt tiếp xúc cử tri trước, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu và ghi nhận 5 lượt cử tri phát biểu với 11 nội dung liên quan đến nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết, đa số các ý kiến đã được giải trình tại hội nghị; tổng cộng có 32 kiến nghị (4 kiến nghị tại hội trường, 28 kiến nghị qua văn bản) thuộc thẩm quyền Trung ương được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 9 văn bản trả lời cho 26 nội dung kiến nghị và đã chuyển kịp thời đến các cơ quan, đơn vị kiến nghị; còn lại 6 kiến nghị chưa được trả lời.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Ngọc Phương phản ánh bất cập trong vấn đề bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Tại buổi làm việc, các vị ĐBQH tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị với nhiều nội dung về vấn đề bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, về xử lý tài sản công theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, về phân cấp lập quy hoạch.
Đại biểu các sở, ngành tỉnh và doanh nghiệp đề nghị ĐBQH bên cạnh chất vấn trực tiếp tại nghị trường cần tăng chất vấn bằng văn bản để nội dung phản ánh bất cập, chồng chéo của các quy định pháp luật và các đề xuất, kiến nghị gửi tới bộ, ngành Trung ương rõ ràng, đầy đủ hơn; đề nghị Quốc hội quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hạn chế tình trạng có quá nhiều văn bản dưới luật nhưng mỗi ngành có một cách hiểu khác nhau đối với cùng một vấn đề, dẫn đến khó thực hiện.
Thời gian qua, để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP thực hiện. Tại hội nghị này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân tiếp tục kiến nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện trên thực tế.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Tây Ninh phản ánh khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công các dự án thuộc ngành Điện.
Ông Nguyễn Đình Xuân cũng góp ý nội dung quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông và đề nghị xem xét theo hướng chỉ nên quy định mức 0% đối với tài xế điều khiển xe tải, xe khách; đối với người điều khiển phương tiện cá nhân cần có quy định ở mức phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học. Đối với Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua, tuy nhiên có những điều khoản tới năm 2025 mới có hiệu lực thi hành, ông Xuân đề nghị khi luật đã được thông qua thì cần đưa vào thực thi càng sớm càng tốt.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp cũng phát biểu nhiều ý kiến phản ánh khó khăn, bất cập trong công tác quản lý kinh doanh vàng; trong giải phóng mặt bằng và thi công các dự án thuộc ngành Điện lực và các đề xuất, kiến nghị Trung ương, tỉnh tháo gỡ khó khăn.
Các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp được Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái ghi nhận, tiếp thu và trả lời một số nội dung tại hội nghị; một số nội dung sẽ được ĐBQH tổng hợp, chọn lọc để thảo luận, chất vấn tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Phương Thuý