Sign In

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2024) Vai trò của Thanh niên Tiền Phong trong khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam (Tiếp theo và hết)

01:30 26/08/2024
BTN - Cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra trên khắp cả nước ta trong vòng mười ngày, từ ngày 19.8 đến ngày 28.8.1945. Qua ký ức các nhân chứng lịch sử cũng như các tư liệu văn bản, phim ảnh, ký hoạ truyền thông Nhà nước còn lưu giữ, có thể nói, đó là “mười ngày rung chuyển đất Việt”.

 

Thành Săng - đá đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Ở miền Nam, theo sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tập I - 1945-1954, thủ phủ Nam kỳ là thành phố Sài Gòn, trung tâm khởi nghĩa do Kỳ bộ Đảng Cộng sản và Lâm uỷ Hành chính Nam bộ trực tiếp chỉ đạo nổ ra đêm 24, rạng ngày 25.8. Trước đó từ ngày 23.8, có 3 tỉnh trong số 21 tỉnh miền Nam là Tân An (nay là Long An), Bạc Liêu và Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) đã giành được chính quyền. Các tỉnh còn lại khởi nghĩa thắng lợi trong 3 ngày từ 25 đến 28.8.1945. Tại mỗi địa phương, các Uỷ ban Khởi nghĩa do Việt Minh tổ chức đều huy động được hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn người dân, đủ mọi thành phần “xuống đường” tham gia biểu tình; trong đó mũi chủ công tiến chiếm các cơ quan cầm quyền tại địa phương là đội tự vệ vũ trang Thanh niên Tiền Phong.

Đối với tỉnh Tây Ninh, sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến (trang 173-174) ghi lại như sau: “Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (1940) bị thất bại, cơ sở cách mạng ở Tây Ninh vẫn được duy trì. Sang năm 1943, các đảng viên trước đây lánh nạn sang Campuchia lần lượt trở về cùng các đảng viên còn bám trụ ở địa phương tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Năm 1944, nhờ tiếp nhận chủ trương mới của Trung ương Đảng, Uỷ ban Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập, các đoàn thể cứu quốc lần lượt được xây dựng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn, kể cả tín đồ đạo Cao Đài. Việc xây dựng cơ sở cách mạng ở các nhà máy, đồn điền cũng được chú trọng. Từ giữa năm 1944 trở về sau, các cơ sở cách mạng đều được vũ trang bằng vũ khí thô sơ, một số nơi có cả súng mua lại của nhân viên các hãng buôn Nhật. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, lực lượng cách mạng có thêm nhiều súng do thu lượm được của tàn quân Pháp hoặc mua lại của chúng.

Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo Thanh niên Tiền Phong diễn ra rất gay gắt giữa cách mạng và Đảng Quốc gia độc lập thân Nhật, nhưng khi Nhật liên tiếp thua trận thì một bộ phận lớn số này ngả dần theo cách mạng. Sau khi Nhật đầu hàng, Đảng bộ quyết định đưa công tác chuẩn bị khởi nghĩa ra công khai, thành công trong việc trung lập hoá 20.000 quân Nhật đang đóng ở Tây Ninh và cô lập bọn Việt gian thân Pháp. Phong trào cách mạng ở Tây Ninh lên cao lôi cuốn cả người Chăm, Khmer; 200 lính cảnh sát cũng nộp súng cho cách mạng.

Sáng 25.8.1945, cuộc biểu tình thị uy có lực lượng vũ trang yểm trợ được tổ chức và kéo dài từ sáng đến chiều. Ngày 26.8 Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh được chuyển thành Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong thành phần Uỷ ban có một đại biểu Cao Đài”.

Tư liệu chính sử của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật chỉ ghi lại tình hình và sự kiện Cách mạng tháng Tám tại Tây Ninh vắn tắt như thế. Còn các tài liệu, sách báo của tỉnh và các địa phương trong tỉnh nêu lại khá phong phú và rất chi tiết. Hơn ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, lớp người Tây Ninh từng tham dự sự kiện mùa thu năm xưa, từng có tên trong lịch sử tỉnh nhà gần như không còn ai, nhưng những dấu ấn của cuộc đổi đời ngày ấy trên quê hương này vẫn còn đó và ngày càng được tô đậm thêm, sáng tươi hơn trong cuộc sống hôm nay.

 

Cầu Quan Tây Ninh trước năm 1924. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Về địa danh lịch sử Quán Cơm, nơi xuất phát của Uỷ ban Khởi nghĩa và sự kiện mít tinh giành chính quyền tỉnh Tây Ninh, người viết bài này may mắn được tiếp xúc với một vị cán bộ tiền khởi nghĩa nay đã quá cố, nhưng tư liệu do cụ cung cấp vẫn còn được giữ kỹ. Đó là cụ Lâm Phước Tôn, thường gọi là Hai Tôn, nguyên Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh, người đã từng dẫn đầu đoàn biểu tình từ Chà Là-Trường Hoà đi dự cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh tại sân vận động tỉnh rồi bảo vệ Ban lãnh đạo khởi nghĩa chiếm lĩnh dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh ngày và đêm 25.8.1945. Cụ Hai Tôn cho biết:

Năm ấy tôi làm việc ở đồn điền cao su Memot (Campuchia), nhưng thường hay về Tây Ninh, lên xuống Chà Là, quê của vợ tôi là bà Phạm Thị Nghĩa, công nhân cạo mủ thuộc sở cao su Cầu Khởi. Trong một lần đi xe đò về quê vợ, tôi quen biết ông Trần Văn Đẩu, thường gọi là Tư Đẩu và được ông vận động tham gia phong trào Việt Minh để đánh Tây, cứu nước. Để tiện bề hoạt động, ông Tư Đẩu đưa tôi đến trú ngụ tại một cơ sở cách mạng ở ven thị xã Tây Ninh là quán cơm của vợ chồng ông Hai Khoảnh. Đây là “địa chỉ đỏ” đã đi vào lịch sử cách mạng của Tây Ninh với tên gọi “Nhóm Đảng Quán Cơm”. Quán Cơm nằm bên đường từ tỉnh lỵ Tây Ninh đi lên biên giới qua khẩu Xa Mát, nhưng chưa ra khỏi tỉnh lỵ, ở vào khoảng từ ngã tư Bình Minh lên Cầy Xiên bây giờ. Thường xuyên ở Quán Cơm chỉ có vài ba người là tôi (Hai Tôn), với Bảy Mì, Bảy Của… làm như là những người giúp việc trong quán. Còn các ông lãnh đạo mà sau này tôi mới biết mấy ổng là đảng viên thì ở chỗ khác, hoặc ở nhà riêng, thỉnh thoảng mới họp mặt, liên lạc với nhau trong chốc lát như những khách vãng lai ghé vào quán ăn cơm.

Khi tôi đến Quán Cơm, vào khoảng tháng 6 năm 1945 thì tỉnh ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh, có nòng cốt là các nhóm đảng viên như là ông Huỳnh Văn Thanh, người quản lý Báo Dân Quyền ở Sài Gòn, cùng vợ là bà Mỹ Lan lánh về khu vực ven chân núi Bà Đen. Ở Suối Đá có ông Trần Kim Tấn, cùng những người nữ là Tiếu, Bảy về ẩn náu hoạt động. Khu vực Châu Thành có ông Nguyễn Công Bằng cùng người chị ruột là bà Ba Lá từ Hóc Môn chạy lên. Ở khu vực Giồng Nần (Bến Cầu) có ông Võ Văn Lợi cũng từ “18 thôn vườn trầu” đến gây cơ sở cách mạng, lan qua sông Vàm Cỏ Đông sang Bến Kéo, gieo hạt giống cách mạng phía Tây Nam khu vực Toà thánh Cao Đài. Đặc biệt ở Quán Cơm đã có một nhóm Đảng hoạt động từ trước do đồng chí Lên, tức Tư Địa tổ chức. Nhóm này có các ông Phạm Tung (đồng chí Năm Tung, sau là Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời), Trần Văn Mạnh (Hai Mạnh, người tổ chức phát động cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phờ-răng-si-ni từ năm 1939), Tư Đẩu (Trần Văn Đẩu, sau là cán bộ chỉ huy quân sự của tỉnh, Chi đội phó Chi đội 11)… Sau này, ông Huỳnh Văn Thanh móc nối được với nhóm Đảng Quán Cơm và trở thành người lãnh đạo, mặc nhiên là Trưởng Ban cán sự Đảng, tiền thân của Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Về sự kiện giành chính quyền ở dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh, ngày 25.8.1945 sau cuộc mít tinh ở sân vận động rồi tuần hành rầm rộ với hàng chục ngàn người đủ mọi tầng lớp, từ các cánh Châu Thành, Bến Cầu, Trường Hoà - Chà Là, Toà thánh Cao Đài… kéo đến tham dự, đến khoảng hai giờ chiều, có đoàn cán bộ của Xứ uỷ từ Sài Gòn mang chỉ thị cướp chính quyền lên Tây Ninh, Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh lập tức họp bàn kế hoạch. Các anh nhận định lúc này tinh thần kẻ địch rất hoang mang, chính quyền và quân Nhật đang bị cô lập, ta đã nắm được “cò Nghĩa” (chỉ huy cảnh sát), cùng số cảnh sát ở Tây Ninh, lại còn đang tập trung đội tự vệ vũ trang là lớp huấn luyện quân sự của lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở đình Hiệp Ninh và có thể huy động quần chúng cốt cán ở Thị xã chừng vài trăm người, nên dù không còn lực lượng quần chúng đông đảo như hồi sáng, ta vẫn đủ sức giành chính quyền. Kế hoạch được triển khai thực hiện trót lọt. Quần chúng hàng trăm người vây chặt dinh Tỉnh trưởng, Ban lãnh đạo Việt Minh gồm các ông Mười Thanh, Hai Mạnh, Tư Đẩu, Năm Bằng, Năm Tung… có tự vệ vũ trang hộ tống đi thẳng vào Toà Bố (trụ sở UBND tỉnh ngày nay). Trong đoàn hộ tống có tôi (Hai Tôn) và số anh em “nhân viên Quán Cơm” như vợ chồng Bảy Mì, Bảy Của… Khuôn viên Toà Bố lúc này khá vắng vẻ, quan quân trong ngoài chỉ khoảng vài chục người. Nhóm chúng tôi tước vũ khí mấy tay cảnh sát gác cổng chính, phía bờ rạch Tây Ninh đi lên, rồi ở đó canh giữ cho mấy ông lãnh đạo vô dinh buộc Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đầu hàng. Lúc đó, Tỉnh trưởng Thạnh đã nhận được thư vận động của người bạn thân là bác sĩ Lâm Văn Vĩnh (sĩ quan quân y của quân đội Pháp tại Tây Ninh, thân sinh ông Lâm Thái Hoà, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong) biết Việt Minh nổi dậy khắp nơi, Sài Gòn cũng mất chính quyền rồi nên chấp nhận đầu hàng không kháng cự gì hết. Mấy ông lãnh đạo bảo Tỉnh trưởng Thạnh cho gọi các công chức đầu ngành tỉnh đến, thông báo tin đầu hàng và giao chính quyền. Sau đó ta cho họ về hết, chỉ bắt giữ lại mấy tay chóp bu như Tỉnh trưởng Thạnh, đốc tờ Hà Văn Sua, đốc phủ Tô Ngọc Đường…

Ta vừa chiếm Toà Bố thì đội tự vệ đi bắt Tây nhảy dù trên xóm Vịnh cũng vừa áp giải hai thằng Tây về tới. Một thằng Tây rặt da trắng, một thằng Tây lai da đen. Mấy ông lãnh đạo hỏi cung tụi Tây, tôi biết tiếng Pháp nên cũng vô dinh ngồi nghe. Té ra thằng Tây rặt không phải lính nhảy dù tầm thường mà là “dân gộc”. Nó xưng tên là Jean Cédille, cấp bậc đại tá, chức vụ Cao uỷ (tức Thống đốc Nam kỳ), đại diện cho chính phủ Charles de Gaulle của Pháp được Không quân hoàng gia Anh thả dù xuống Tây Ninh để mò về Sài Gòn “bắc cầu” cho quân Anh - Ấn thuộc lực lượng Đồng Minh sắp kéo vào Đông Dương giải giáp lính Nhật.

Lát sau có một đoàn gồm sĩ quan chỉ huy Nhật và những người Âu, nghe nói là trong phái bộ quân sự Anh từ Sài Gòn lên xin bảo lãnh những người Pháp mới nhảy dù xuống Tây Ninh. Lúc đó lãnh đạo ta đã bàn nhau, biết rằng không thể giữ họ được vì sẽ có tác động không tốt về mặt đối ngoại trong khi nước ta mới giành được chính quyền, và ta phải chấp nhận quân Đồng Minh đến tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật ở Đông Dương, vì thế các anh quyết định cho phái bộ quân sự Anh bảo lãnh Cédille và thằng cận vệ Tây lai đưa về Sài Gòn. Sau đó quả thật như Đảng ta đã dự đoán, thực dân Pháp không dễ gì từ bỏ sự thống trị thuộc địa ở Đông Dương nên quân viễn chinh Pháp đã theo chân quân Anh trở lại miền Nam, bắt đầu tái xâm lược nước ta, mà kẻ đầu tiên núp dưới cờ đế quốc Anh với danh nghĩa Đồng minh để nhảy vào Việt Nam chính là Cédille, kẻ đã bị tự vệ vũ trang Thanh niên Tiền Phong của Việt Minh Tây Ninh tóm cổ.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ở Tây Ninh, ta nhanh chóng thành lập chính quyền. Lúc ấy Xứ uỷ chỉ đạo cho các đồng chí đảng viên xem xét tình hình địa phương, thực hiện sách lược thành lập chính quyền liên hiệp có nhiều thành phần tham gia để nhanh chóng ổn định bước đầu. Song song với việc thành lập chính quyền, ta tiến hành củng cố Mặt trận Việt Minh tỉnh. Mặt trận cũng thể hiện đại đoàn kết dân tộc, đầy đủ các thành phần, có cả tôn giáo tham gia như ông Phối sư Đặng Trung Chữ của Hội thánh Cao Đài được cử làm Phó Chủ nhiệm Mặt trận.

79 năm sau Cách mạng tháng Tám, quê hương Tây Ninh cùng cả nước đã hoàn toàn đổi mới, không còn cảnh nghèo đói, lạc hậu, đang mạnh tiến trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những thành tựu như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhắc lại những ngày thu hào khí ngất trời năm xưa, chính là sự tiếp lửa truyền thống để thế hệ trẻ hôm nay vững bước, tự tin đi tới tương lai.

Nguyễn Tấn Hùng

Tag:

File đính kèm