Sign In

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3

13:24 08/09/2024
Sáng ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãn đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng sức gió mạnh nhất cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc đã bị tổn thất rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7 - 8/2024. Về thiệt hại bước đầu cập nhật đến 7 giờ ngày 8/9, có 5 người chết, 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ. Về nông nghiệp, 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại, trong đó tập trung tại Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Đối với tỉnh Thái Bình, đến nay, theo báo cáo ban đầu chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền; một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều; toàn tỉnh có khoảng 30 cột điện bị đổ, 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy, 17 trạm biến áp bị sự cố. Về sản xuất nông nghiệp, có 6.000ha lúa mùa bị thiệt hại 30 - 70%, 5.000ha lúa mùa bị thiệt hại trên 70%; có 585ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30 - 70%, 2.760ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng trên 70%; có 1.215ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30 - 70%, 170ha cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 70%; diện tích lúa nghiêng, đổ bị úng ngập ước tính khoảng 18.000ha; một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Bình, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện các công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt rất sớm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công điện số 16-CĐ/TU ngày 4/9/2024, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh ban hành 3 công điện; các địa phương trong tỉnh huy động toàn hệ thống chính trị tham gia ứng phó với bão số 3. Tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng, chống bão; công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện nhằm tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong nhân dân; đặc biệt đối với các vùng xung yếu, vùng ven biển, tỉnh chú trọng quán triệt thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, công trình, di dời người dân ở các điểm xung yếu, vùng dễ bị đổ sập, người dân ở khoảng 1.200 chòi ngao và hàng trăm phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn; chủ động tháo nước trong đồng và các ao đầm. Để tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 7/9/2024. Cùng với đó, ngay sau khi bão có chiều hướng giảm, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã ra hiện trường tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; tất cả các lực lượng trong tỉnh đã ra hiện trường tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, trong đó tập trung dọn dẹp cây đổ, các vật chướng ngại trên địa bàn, khắc phục ngay các điểm ách tắc, ngập lụt (do mưa lớn, cây đổ, sạt lở...) đồng thời tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm bảo đảm giao thông thông suốt sớm nhất ngay sau bão; tập trung khôi phục hệ thống điện, nhất là hệ thống điện cho các trạm bơm để nhanh chóng tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đến sáng ngày 9/9, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh cơ bản được khôi phục; rà soát lại tất cả các tuyến đê, kè trong toàn tỉnh, các điểm sạt lở và điểm có nguy cơ bị nứt, gãy để có phương án gia cố kịp thời; kịp thời khắc phục đối với các trường học, nhà xưởng bị tốc mái; rà soát, khắc phục sớm nhất hệ thống thông tin liên lạc, internet, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân ngay sau bão. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn Thủ tướng chỉ đạo để có hỗ trợ khắc phục kịp thời cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3 trong đó có Thái Bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần và sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống bão; ghi nhận và cảm ơn sự đồng thuận, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống bão của người dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình không may có người thân bị thiệt mạng, tai nạn thương vong do bão gây ra; cảm ơn toàn thể nhân dân, doanh nghiệp đã tích cực chấp hành sự lãnh đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, chính quyền; đã tự nguyện tự giác tham gia và tích cực hỗ trợ nhau phòng chống, ứng phó với bão.

Đồng chí biểu dương các bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị liên quan, nhất là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo và triển khai quyết liệt, trách nhiệm, đạt hiệu quả cao tại tất cả các phần việc liên quan, nhất là công tác chỉ đạo, ứng trực, dự báo, thông tin truyền thông và phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu và sau khi bão tan. Nhờ đó, đã giảm mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra ở mức thấp nhất.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan phải tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Tập trung cao độ cho công tác rà soát cứu người và khắc phục ngay các vấn đề cấp thiết, nhất là chăm sóc người dân, giải quyết hậu quả cho những người dân xấu số. Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không để học sinh thiếu chỗ học, không để người bệnh thiếu chỗ chữa bệnh; dứt khoát không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại, do đó phải khẩn trương rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Tập trung phòng, chống các ảnh hưởng do hoàn lưu bão tiếp tục gây ra, ứng phó sạt lở, sụt lún. Tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh; ưu tiên khắc phục sự cố của các dịch vụ điện, viễn thông, thu dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh, xử lý môi trường để bộ máy chính quyền các địa phương sớm bảo đảm hoạt động điều hành hiệu quả, người dân sớm trở lại sinh hoạt, làm việc.

Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại một cách chính xác khách quan, không để xảy ra vi phạm đáng tiếc trong thống kê thiệt hại; đề xuất hỗ trợ theo mức hợp lý. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương duyệt chi mức sơ bộ và chi sớm kinh phí hỗ trợ để trước 18 giờ ngày 8/9 các địa phương có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ khắc phục ảnh hưởng do bão. Các bộ, ngành căn cứ chức năng của mình tiếp tục hướng dẫn các phương án xử lý khắc phục thiệt hại theo quy định pháp luật; lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục ứng trực, sắng sàng ứng cứu với các sự cố có thể phát sinh. Công tác dự báo, truyền thông phải duy trì cho đến khi cơn bão kết thúc, đặc biệt phải chú trọng hướng dẫn người dân kỹ năng, cách phòng chống, khắc phục bão. Tích cực kêu gọi người dân, cơ quan, doanh nghiệp không bị hại góp công, góp sức ủng hộ người dân, cơ quan, đơn vị bị thiệt hại theo tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”.


Tác giả: T.Đạt

Tag:

File đính kèm