|
Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, Đảng bộ huyện Võ Nhai luôn quan tâm nhân lên những "hạt giống đỏ" để thắp sáng các xóm, bản. Trong ảnh: Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, trao quyết định kết nạp đảng cho đảng viên mới là học sinh. |
Hiện nay, Thái Nguyên có 142 xóm đặc biệt khó khăn, nằm trên địa bàn 5 huyện là Võ Nhai (59 xóm), Định Hóa (42 xóm), Đồng Hỷ (25 xóm), Phú Lương (10 xóm) và Phú Bình (6 xóm). Phát triển đảng viên, nhân lên “hạt gống đỏ” ở những địa bàn khó khăn này không chỉ xóa tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép mà còn tạo nguồn trong đội ngũ cán bộ ở địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đầu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Xóa chi bộ sinh hoạt ghép
Lân Đăm là xóm đặc thù của xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) với 100% hộ dân là người dân tộc Mông, trong đó có 19/22 hộ thuộc diện hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Nhận thức không đồng đều, kinh tế còn khó khăn nên bà con nơi đây dễ bị lôi kéo, kích động bởi các phần tử xấu. Đến đầu năm 2023, Lân Đăm chưa kiện toàn được một số chức danh như trưởng xóm, thôn đội trưởng. Bởi lẽ ấy, đảng viên duy nhất ở xóm người Mông này vẫn tham gia sinh hoạt ghép khi Chi bộ Thống Nhất lãnh đạo cả 2 xóm là Thống Nhất và Lân Đăm.
Đồng chí Khúc Kim Quảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, cho hay: Ngày 13-12 năm ngoái, Đảng bộ xã Quang Sơn đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ xóm Lân Đăm gồm 5 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người Mông, chỉ định 1 đồng chí người dân tộc Sán Dìu làm Bí thư Chi bộ. Điều này đồng nghĩa với việc chi bộ sinh hoạt ghép cuối cùng của xã và cũng là của Đồng Hỷ đã được xóa.
Tương tự Lân Đăm, năm 2018, Lũng Hoài - xóm người Mông ở xã Thượng Nung cũng đã thành lập được chi bộ và xóa chi bộ ghép cuối cùng của huyện vùng cao Võ Nhai. Nhờ phát triển được 1 đảng viên là người bản địa, Đảng bộ xã đã giới thiệu thêm 2 đảng viên ở Chi bộ Tân Thành tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Lũng Hoài, trong đó có 1 đảng viên nguyên là cán bộ Văn phòng UBND xã nghỉ hưu; 1 đảng viên là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã.
Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Thượng Nung Lương Văn Lịch cho hay: Từ ngày thành lập Chi bộ, việc điều hành công việc ở Lũng Hoài thuận lợi hơn rất nhiều. Mọi hoạt động có sự thay đổi rõ nét, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội…
Từ những câu chuyện ở Lân Đăm, Lũng Hoài và nhiều xóm, bản vùng khó khác cho thấy, các xã ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh đã rất quan tâm tới công tác phát triển Đảng, nhất là phát triển đảng viên người DTTS. Đảng bộ tỉnh cũng đã có những quyết sách đúng đắn trong công tác phát triển đảng viên ở vùng khó. Nhờ đó, Thái Nguyên đã xóa được chi bộ sinh hoạt ghép. Đây được xem là một thành công rất lớn của cấp ủy các cấp.
Tạo nguồn cán bộ ở cơ sở
Hiện nay, trong tổng số 177 xã, phường của Thái Nguyên có 110 xã vùng DTTS, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn. Phát triển đảng viên ở vùng khó, nhất là đảng viên người DTTS không chỉ nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng mà còn tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Thực tế cho thấy, nhiều quần chúng thế hệ 8x, 9x ở các xã còn nhiều khó khăn ngay sau khi kết nạp vào Đảng đã được tạo điều kiện học nâng cao trình độ, đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt ở địa phương. Đồng chí Lương Văn Lịch, sinh năm 1980, người dân tộc Tày, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thượng Nung là một người như thế.
Hơn 20 năm trước, tốt nghiệp THPT, anh Lịch trở về tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương (xóm Trung Thành). Là người năng nổ, trách nhiệm với công việc, năm 2006, anh được kết nạp Đảng khi đang là Bí thư Chi đoàn thanh niên xóm. Sau đó, không lâu anh được bầu làm Phó, rồi tiếp đến là Bí thư Đoàn xã, được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo ở địa phương.
Anh Lịch cho hay: Từ khi được kết nạp vào Đảng, tôi được Đảng ủy tạo mọi điều kiện về thời gian để tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn. Nhờ đó, tôi đã có bằng đại học chuyên ngành kinh tế, được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và nay là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã.
Trưởng thành từ cơ sở, anh Lịch không chỉ rèn luyện được bản lĩnh chính trị mà còn có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các công việc ở địa phương từ tranh chấp đất đai, hòa giải mâu thuẫn đến việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ở Thượng Nung, chị Ma Thị Nhật Lệ, dân tộc Tày, sinh năm 1991 cũng trưởng thành từ cơ sở. Được kết nạp vào Đảng từ năm 2019, từ một Bí thư Chi đoàn, chị Lệ đã không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân và trở thành thủ lĩnh Đoàn của xã Thượng Nung. Hiện nay, chị đã được quy hoạch và vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã.
Ngoài những trường hợp nêu trên thì anh Bàn Sinh Thắng, người dân tộc Dao, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ); anh Phùng Văn Đăng, dân tộc Tày, Chủ tịch UBND xã Thanh Định (Định Hóa)… và rất nhiều cán bộ chủ chốt ở 110 xã vùng DTTS của tỉnh đều là những đảng viên đã trưởng thành từ cơ sở cấp xóm. Đồng chí Nịnh Văn Hào, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai nói: Quan tâm phát triển đảng viên là người DTTS ở vùng khó giống như một mũi tên trúng hai đích. Không chỉ tạo được nguồn cán bộ có trình độ, năng lực tại chỗ mà còn giúp công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương được tốt hơn. Từ thực tế cơ sở cho thấy, lời nói của những đảng viên trưởng thành từ xóm, bản quê hương thường được người dân bản địa tin tưởng nghe và làm theo bởi ở đó ngoài công việc còn có sự gắn bó của tình làng, nghĩa xóm.