“Nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm” từ thực tiễn cơ sở
Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 371/QĐ-TTg công nhận huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra. Như vậy là sau hơn 13 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, đến nay, diện mạo huyện Đại Từ đã có sự thay da đổi thịt rõ rệt. Đặc biệt là phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” diễn ra sôi nổi khắp các thôn, xóm trên địa bàn huyện, đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh học tập, triển khai. Đến hết tháng 7/2024, toàn huyện đã có 321/356 xóm, tổ dân phố (theo kế hoạch) đã thực hiện mở rộng được 247,95km/378,39km đường từ 6m trở lên đạt 65,52% kế hoạch, thi công nền đường 207,44km; thi công mặt đường 93,94km; diện tích đất nhân dân đã hiến trên 483.154m2; giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến trên 84 tỷ đồng. Ai cũng thấy vui khi đi trên những con đường nông thôn rộng rãi, bê tông hoá sạch đẹp, hai bên đường nhà cửa khang trang, cho thấy đời sống của Nhân dân được nâng lên. Những thành quả mà huyện Đại Từ có được ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là vai trò của công tác TTM tại cơ sở.
Dưới sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân Đại Từ tự nguyện tháo dỡ tường rào
để hiến đất làm đường giao thông
Đồng chí Cao Việt Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Từ chia sẻ: Để chủ trương của cấp ủy thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức công tác TTM. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên bám sát cơ sở và lựa chọn nội dung tuyên truyền đề cập sát với thực tiễn đời sống của bà con. Đồng thời, tăng cường đối thoại để người dân có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình… Từ đó giúp cho cấp ủy nắm bắt tư tưởng, phản biện xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc từ cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với quần chúng nhân dân,tạo được niềm tin của Nhân dân với cấp ủy địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Đại Từ.
Đối với huyện Phú Bình, một trong những cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, hiện nay trên địa bàn huyện đang đồng loạt triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm. Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngay khi có quyết định đầu tư, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện đã chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, địa phương và chủ đầu tư đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Trong đó tập trung phổ biến tới người dân quy định của pháp luật về thu hồi đất; mục đích, vai trò của các dự án đối với sự phát triển của địa phương và chất lượng cuộc sống của người dân; trực tiếp hướng dẫn, giải đáp và trả lời các thắc mắc, kiến nghị của người dân về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tháo gỡ kịp thời vướng mắc mà các hộ dân đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng
để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của huyện Phú Bình
Đề cập đến ưu thế của công tác TTM, đồng chí Dương Hương Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Bình cho biết: TTM có nhiều ưu thế như thông tin chính thống, tiếp nhận thông tin nhanh, sâu sắc. Người truyền đạt thông tin có thể sử dụng cả ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc nên tạo được sự gần gũi, tương tác với người nghe. Vì vậy, bên cạnh đội ngũ 3 báo cáo viên cấp tỉnh của huyện, 30 báo cáo viên cấp huyện, huyện Phú Bình đã tập trung xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của hơn 1.000 tuyên truyền viên cơ sở là các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm, tổ trưởng dân phố với tinh thần “Mỗi cán bộ, đảng viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng”, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin, khơi dậy ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của Nhân dân.
Thực tiễn tại cơ sở đã cho thấy, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đi vào nền nếp, phương thức hoạt động không ngừng đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn. Kiên trì với phương châm “Nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”, công tác TTM đã giúp cho mỗi người dân ngày một tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia sôi nổi các phong trào thi đua, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương khang trang, giàu đẹp. Và sự ổn định trong xã hội không chỉ là thước đo hiệu quả bộ máy chính quyền mà còn phần nào chứng tỏ hiệu quả của công tác tuyên truyền nói chung, công tác TTM nói riêng trong việc bảo vệ vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Củng cố lực lượng, đổi mới nội dung, phương thức, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Hiện nay, toàn tỉnh có 05 báo cáo viên Trung ương, 50báo cáo viên cấp tỉnh và trên 1.300 báo cáo viên cấp huyện; ngoài ra, các địa phương, đơn vị đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở với gần 6.000 người. Đây chính là những “cánh tay” nối dài của Đảng, đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến các tầng lớp nhân dân từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Chất lượng hoạt động của đội ngũ này những năm qua không ngừng được nâng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tạo cơ hội để báo cáo viên các cấp rèn luyện, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ
nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Với phương châm “hướng hoạt động về cơ sở”, “toàn dân làm công tác tư tưởng”, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chủ động sáng tạo đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu thông tin của đối tượng tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bằng nhiều hình thức như: duy trì tổ chức các hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự thường kỳ với nội dung bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiệm vụ chính trị của địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị trực tuyến giúp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở được nghe báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh trực tiếp báo cáo các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng hệ thống email công vụ, tận dụng lợi thếcủa mạng xã hội kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, chuyên đề cho đội ngũ báo cáo viên; biên soạn, phát hành tài liệu tham khảo cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bằng tệp điện tử thay cho tài liệu in ấn, tạo thuận lợi cho việc cung cấp tài liệu nhanh hơn, nhiều thông tin, tiết kiệm chi phí; cung cấp đầy đủ các loại báo, tạp chí của Đảng theo quy định…
Công tác phối hợp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền được quan tâm, duy trì thực hiện thường xuyên và đạt hiệu quả tích cực. Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền biển, đảo với Quân chủng Hải quân; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ký kết, xây dựng quy chế, chương trình phối hợp công tác hằng năm với Cục Chính trị Quân khu 1, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh để trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác TTM về thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được trang bị và sử dụng có hiệu quả nhiều loại phương tiện như: máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm, bút chỉ laser, máy ảnh... Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên; tổ chức cho báo cáo viên đi thực tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi các cấp, qua đó đã phát hiện được những nhân tố tiêu biểu; đồng thời là cơ sở đánh giá đúng thực chất về năng lực, trình độ và khả năng của đội ngũ báo cáo viên để có định hướng phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác TTM. Qua đó góp phần đổi mới phương pháp, hình thức và nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì tổ chức định kỳ hằng tháng với nội dung phong phú,
bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiệm vụ chính trị của địa phương
Đáp lại sự quan tâm đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, dành nhiều thời gian nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình địa phương. Nội dung tuyên truyền được biên tập công phu, chặt chẽ, phong phú, phù hợp với từng đối tượng người nghe. Nội dung tuyên truyền được chuyển tải bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và liên hệ với tình hình thực tiễn của địa phương và cơ sở, làm cho hoạt động TTM thêm sinh động, hấp dẫn, có chiều sâu, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Nâng “chất” công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Nói về yêu cầu đối với công tác TTM trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Trong bối cảnh thông tin phức tạp, đa chiều như hiện nay đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu đối với công tác tư tưởng nói chung và công tác TTM nói riêng phải đổi mới, nâng cao chất lượng một cách toàn diện, hiệu quả. Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là nâng cao hiệu quả công tác TTM thông qua việc đổi mới phương thức, nội dung vốn có mà còn là sự kết nối, tương tác giữa loại hình TTM và các loại hình tuyên truyền khác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm; kết hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội…
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác TTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/02/2024 (thay thế Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư) về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt sâu sắc nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW; đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở gắn với thực hiện Quyết định số 973-QĐ/BTGTW, ngày 15/12/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành Quy chế hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng, Quyết định số 340-QĐ/TW, ngày 03/12/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTM gắn với xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ban tuyên giáo cấp ủy các cấp; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Để nhanh chóng triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW, cùng với chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh cần tập trung tham mưu cấp ủy tiếp tục đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác TTM; đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình TTM, hướng mạnh về cơ sở; thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở tỉnh, huyện; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở. Đặc biệt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh, bên cạnh việc chủ động đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, chú trọng kết hợp phương pháp truyền thống với các kỹ thuật hiện đại nhằm tăng tính thu hút, hấp dẫn, thuyết phục thì phải chủ động nắm bắt diễn biến tình hình dư luận xã hội trước những vấn đề đặt ra của đất nước, của tỉnh và địa phương, đơn vị để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng nhận thức, tạo sự đồng thuận, ổn định, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và Nhân dân.