Sáng ngày 05/4, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát việc triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân (Kết luận số 94-KL/TW) tại Đại học Thái Nguyên (ĐHTN).
Dự Hội nghị có các đồng chí: GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐHTN; Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Tuyên giáo và Văn phòng Đảng ủy ĐHTN; lãnh đạo các nhà trường cùng toàn thể giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của ĐHTN. Quang cảnh Hội nghị
Mục đích của buổi khảo sát nhằm đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân; đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên lý luận chính trị, giáo dục công dân; những vấn đề đặt ra, đề xuất giải pháp, kiến nghị trong quá trình triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW.Theo đó, toàn Đại học hiện có 92 giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị; trong đó có 36 giảng viên có trình độ tiến sỹ, 56 giảng viên có trình độ thạc sỹ; có 13 giảng viên nam, 79 giảng viên nữ. Đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy môn lý luận chính trị của ĐHTN có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cao. Hằng năm, đề cương chi tiết các học phần về lý luận chính trị thường xuyên được rà soát, cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; cập nhật các định hướng về nội dung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác lý luận chính trị; công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW được tiến hành nghiêm túc.Tại Hội nghị, các cán bộ giảng dạy các môn lý luận chính trị đến từ các đơn vị thành viên đã trao đổi, thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho sinh viên của ĐHTN. Đồng thời đề nghị, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và có các quy định đặc thù cho giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị để tạo điều kiện cho giảng viên có thể bổ nhiệm, phong hàm PGS; Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chương trình đào tạo chuyên ngành giáo dục công dân, giáo dục chính trị trong cả nước để tạo điều kiện cho sinh viên chuyên ngành giáo dục công dân, giáo dục chính trị ra trường có việc làm. Hằng năm, tổ chức cho giảng viên lý luận chính trị tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng hè các môn lý luận chính trị; đa dạng hoá các nội dung tập huấn, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực người học; tổ chức các hội thảo khoa học cho giảng viên các môn lý luận chính trị trong toàn quốc để nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị… Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chương trình các môn lý luận chính trị cho phù hợp hơn với thực tế giảng dạy ở các trường đại học hiện nay; rà soát, chỉnh sửa lại giáo trình quốc gia các môn lý luận chính trị; chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp hơn, giúp giảng viên và sinh viên dễ tiếp cận các kiến thức khoa học của môn học.Kết luận Hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất, trao đổi và thảo luận của các đại biểu. Đây là những đóng góp quan trọng, thiết thực. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp thu và báo cáo lại với Ban Bí thư Trung ương, từ đó làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thanh Loan
Tag:
File đính kèm