Sign In

Bồi đắp các giá trị văn hóa, con người để tạo nguồn lực xây dựng Thái Nguyên văn minh, giàu đẹp

07:53 03/06/2024
Qua 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chính là sự tiếp nối tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam.
image 20240603075325 1
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
cho các cá nhân có thành tích xuất sắc 
trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 15/5/2024)
Thái Nguyên, Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc, vùng đất của cội nguồn và danh thắng, luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 33-NQ/TW đối với sự phát triển của đất nước nói chung và với Thái Nguyên nói riêng. Trong những năm qua, việc xây dựng văn hóa, con người đã và đang trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, từng bước có sự gắn kết với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện đồng bộ giữa xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, môi trường văn hóa lành mạnh. Nhiều di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, tôn tạo, phát huy. Hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân được đầu tư xây dựng, hoàn thiện góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, những nét văn hóa riêng của quê hương cách mạng Thái Nguyên đã được quan tâm thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng với chất lượng ngày càng nâng lên. Hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều đổi mới... Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa từng bước được củng cố; các hoạt động giao lưu, đối ngoại, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch với một số nước trong khu vực và trên thế giới được tăng cường.
Nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo, thiết thực trong việc đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW vào cuộc sống có thể kể đến như: Tỉnh uỷ Thái Nguyên tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”; phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khởi công Dự án tu bổ chùa Hương Ấp (Di tích Lý Nam Đế) tại thành phố Phổ Yên; tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, Khu Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa và nhiều đề án, dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa đã được tỉnh ban hành. Gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Cuộc thi tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với chủ đề “Thái Nguyên xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… qua đó góp phần khẳng định các giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên qua các giai đoạn lịch sử được các thế hệ nhân dân coi trọng, giữ gìn, trao chuyền, bồi đắp và phát triển không ngừng; làm rõ tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để xây dựng tỉnh Thái Nguyên văn minh, giàu đẹp.
Có thể khẳng định rằng, qua 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân; góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững./.
Nguyễn Thị Mai
(Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

Tag:

File đính kèm