Sign In

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý dự thảo Luật có liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn

16:12 29/11/2024

Chiều 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý dự thảo Luật có liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham gia góp ý đối với dự thảo Luật có liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn, đó là:

Việc hình thành tài sản, nguồn vốn tại các doanh nghiệp của Công đoàn có nguồn gốc ban đầu từ nguồn tài chính công đoàn. Là tổ chức đại diện, bảo vệ và chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn cần được bảo đảm sự tự chủ trong hoạt động cũng như quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thông lệ quốc tế; tránh quan điểm cho rằng Chính phủ can thiệp vào hoạt động của công đoàn, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp thuộc tổ chức công đoàn.

Nghị định 97/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17: “Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội vận dụng quy định của Nghị định này để tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu”. Trên cơ sở đó, nhằm khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên, ĐBQH Võ Mạnh Sơn có một số ý kiến sau: Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh (Điều 10). Đề nghị sửa tên Điều và bổ sung 1 khoản (khoản 6) quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn công đoàn đầu tư, theo hướng: “Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh: 6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chức năng và các nội dung liên quan trong quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn của tổ chức mình đầu tư.”

Lý do: Nhằm quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền trong tham gia quản lý Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của các tổ chức Công đoàn; khẳng định vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam) trong điều phối hoạt động của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Về phân phối lợi nhuận sau thuế và sử dụng Quỹ (Điều 15). Theo đó, để phù hợp với Luật Công đoàn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản mới (khoản 3) tại Điều 15 Dự thảo Luật như sau: “3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vận dụng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này quy định về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.

Về nguồn vốn nhà nước đầu tư (Điều 17). Theo đó nhằm quy định rõ trong khoản 1, Điều 17 về nguồn khác trong Nguồn vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tổ chức công đoàn, phù hợp với Luật Công đoàn (năm 2012), đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung 1 điểm mới (điểm d) tại khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật như sau:

“Điều 17. Nguồn vốn nhà nước đầu tư: 1. Nguồn từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn khác gồm: d) Nguồn vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư tại doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.”

Về phạm vi đầu tư vốn (Điều 18). Theo đó, để phù hợp với nguồn vốn đã đầu tư và đặc điểm hoạt động của tổ chức Công đoàn, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi khoản 3 Điều 18 tại dự thảo Luật theo hướng: “3. Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc đầu tư vốn, bổ sung vốn tại doanh nghiệp của các tổ chức Công đoàn để thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn theo quy định của pháp luật.”

Về đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua cổ phần vốn góp (Điều 24). Theo đó, để phù hợp về nguồn vốn khác tại khoản 1, Điều 17 về nguồn vốn nhà nước đầu tư đối với các doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “tài chính của tổ chức Công đoàn” tại khoản 3 Điều 24 Dự thảo Luật, theo hướng: “3. Căn cứ quyết định chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại đề án đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua cổ phần vốn góp, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, tài chính của tổ chức Công đoàn, thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có).”

Về chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 35), đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi khoản 5, Điều 35 như sau:“5. Tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi trong quá trình chuyển đổi, chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nộp ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, được nộp tài chính của tổ chức Công đoàn đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.”

Lý do: Thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá có bán cổ phần cho tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cổ phần hoá được sử dụng nguồn quỹ công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền thu từ chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn để phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành và Luật Công đoàn.

Quốc Hương

Tin liên quan:

Tag:

File đính kèm