Sign In

Quan tâm quy hoạch tạo nguồn cán bộ

10:32 12/05/2024

Xác định công tác cán bộ là một trong những khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng đã đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; với phương châm “vừa động” “vừa mở”, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những nhân sự không còn đủ tiêu chuẩn, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới, đảm bảo được tính kế thừa, phát triển. Thông qua công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy đảng đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức, khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Quan tâm quy hoạch tạo nguồn cán bộTỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Minh Hiếu

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: "Bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, ban tổ chức các cấp đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, khách quan, dân chủ, đúng quy định về công tác quy hoạch cán bộ. Số lượng nguồn quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp ít nhất từ 1 đến 1,5 lần; mỗi chức danh quy hoạch từ 1 đến 3 nguồn, mỗi người quy hoạch không quá 3 chức danh. Chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên, cơ cấu độ tuổi, dân tộc, tỷ lệ trẻ, nữ cơ bản đảm bảo; trong thường trực cấp ủy các huyện miền núi đều có quy hoạch cán bộ người dân tộc Kinh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có quy hoạch người dân tộc thiểu số; trong quy hoạch đã quan tâm giới thiệu nguồn cán bộ từ nơi khác. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được nâng lên.

Để có đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, ban tổ chức các cấp đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ đương chức, cán bộ trong quy hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, nội dung bồi dưỡng chủ yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh từ thực tiễn, cập nhật kiến thức mới vừa có tính thời sự, vừa theo hướng hiện đại. Đồng thời, đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 290 cán bộ, trung cấp lý luận chính trị cho 3.335 cán bộ, bồi dưỡng cho 19.852 lượt cán bộ... Nhiều cấp ủy cấp huyện đã tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khối phố tại trung tâm chính trị cùng cấp.

Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử được đổi mới, mở rộng dân chủ, theo một quy trình thống nhất, mỗi chức danh bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử được chuẩn bị từ nguồn có trong quy hoạch hoặc quy hoạch chức danh tương đương trở lên; nhân sự đề nghị dự kiến bổ nhiệm đều được các cơ quan có liên quan tham gia thẩm định, trước khi cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Trong gần 4 năm qua, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử 2.669 lượt cán bộ; trong đó cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý gần 90 lượt; cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý là 2.592 lượt. Nhìn chung, công tác bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quy trình bổ nhiệm cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ được quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản về luân chuyển cán bộ, đã điều động, bổ nhiệm, luân chuyển 612 lượt cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đều có cán bộ nữ, 100% đảng bộ cấp xã có cán bộ nữ trong ban chấp hành, cơ bản trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy các huyện miền núi có cán bộ là người dân tộc Kinh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đa số có quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số; 100% các xã đã thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ ở thôn, bản, tổ dân phố theo hướng 3 người đảm nhiệm 6 chức danh và khuyến khích thực hiện việc bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ trưởng phố theo tinh thần Công văn số 1555-CV/TU, ngày 14/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã và một số chức danh khác không phải là người địa phương trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương; 550/558 xã, phường, thị trấn (chiếm 98,39%) thực hiện bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý (ít nhất là 1 chức danh) không phải là người địa phương. Hầu hết các địa phương sau khi bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, tình hình ổn định, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã có bước phát triển. Số cán bộ điều động, luân chuyển đã khẳng định và phát huy được năng lực, giữ gìn phẩm chất, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí trưởng thành, được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn.

Minh Hiếu

Tag:

File đính kèm