Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”! Để rồi, đáp lại tình cảm và niềm tin của Người, nhiều trí thức đã đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho đất nước.
Cán bộ quản lý báo chí và phóng viên, nhà báo được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí và trao giải Búa Liềm Vàng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Bởi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, cho nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó trọng tâm là đoàn kết công - nông - trí thức. Người khẳng định: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng XHCN, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang và công, nông, trí thức phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương ngời sáng về khả năng quy tụ sức mạnh đại đoàn kết và thu hút trí tuệ của đội ngũ trí thức vào sự nghiệp cách mạng, bằng chính đạo đức, trí tuệ và phong thái của Người.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời được nhiều nhân sĩ, trí thức danh tiếng, có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc tham gia Chính phủ. Câu chuyện Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng - người từng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (năm 1904) nhưng không ra làm quan - là một ví dụ rất điển hình. Đầu năm 1946, khi đang ở Huế, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận được điện của Bác mời ra Hà Nội nhận chức trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vốn nghe danh Nguyễn Ái Quốc từ lâu, nhưng vì chưa hiểu đầy đủ về cách mạng, nên lòng cụ còn băn khoăn. Biết được điều này, Bác Hồ đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đánh tiếp một bức điện gửi vào Huế cho cụ. Trong bức điện có câu: “... Việc đạo nghĩa xin cụ đừng bỏ qua”. Sau khi đọc bức điện, cụ Huỳnh Thúc Kháng mới lên đường ra Hà Nội. Qua mấy lần đàm đạo, tâm đắc với Bác Hồ, cụ Huỳnh hoàn toàn bị thuyết phục và nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cuối tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Trước khi lên đường, Người đã giao cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với phương châm ấy, cụ Huỳnh đã giữ vững an ninh chính trị đất nước trong bối cảnh vô vàn khó khăn, thử thách.
Đặc biệt, Bác còn được nhiều quan lại cao cấp của triều đình Huế ra làm việc nước, như Thượng thư đại thần Bùi Bằng Đoàn. Cụ Bùi từng đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái khi mới 17 tuổi và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức Thượng thư Bộ hình, tham gia Viện cơ mật của triều đình Huế. Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan chính trực, thanh liêm, đức độ và chăm dân. Vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần mời cụ làm cố vấn cho Chính phủ. Trong thư ngày 17/11/1945, Bác viết: “Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà, dân tộc”. Cụ Bùi suy nghĩ “Cụ Hồ viết thư cho tôi mà trọng nhiệm lớn lao, tôi e mình không làm tròn trọng nhiệm mà Hồ Chủ tịch giao phó...”. Sau này, khi nhận được lá thư thứ 3, Bùi Bằng Đoàn đã quyết định gặp Bác Hồ. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64, thành lập Ban thanh tra đặc biệt và cử Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ). Dưới sự chỉ đạo của Trưởng Ban thanh tra đặc biệt Bùi Bằng Đoàn, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến giữ gìn bộ máy chính quyền trong sạch và uy tín cho Đảng đã được giải quyết thỏa đáng.
Không dừng lại ở đó, bằng đức độ, uy tín và tài năng, Người đã cảm hóa được nhiều trí thức Tây học hướng về Tổ quốc để phụng sự đất nước. Điển hình là kỹ sư cơ khí Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa). Và rồi, chính vị kỹ sư vô cùng tài năng này đã thừa nhận rằng, không có một bằng đại học hay chứng chỉ học lực nào có thể đo lường được hết những điều ông đã tiếp thu và tiếp nhận ở Bác Hồ trong 3 tháng gần gũi trên con tàu trở về Tổ quốc. Và ông xem đó như “đã trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt, một lớp học có nhiều môn khoa học khác nhau mà chỉ có một người thầy duy nhất”. Bác dạy ít lời nhưng nhiều ý, đã có sức truyền cảm, lay động và thuyết phục mạnh mẽ. Nhờ thế mà Việt Nam mới có cái tên Trần Đại Nghĩa, gắn với nhiều đóng góp vô cùng quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Có thể nói, mỗi câu chuyện về Bác Hồ và đội ngũ trí thức - nhất là những “mối lương duyên” đặc biệt - đều là một bài học quý về tinh thần coi trọng hiền tài, về quan điểm “dụng nhân như dụng mộc”, đã được Người kế thừa trọn vẹn từ tiền nhân và phát huy cao độ để mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nước, cho dân. Bởi, như chính Người từng khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Để rồi, đáp lại tình cảm và niềm tin của Người, nhiều trí thức đã đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, việc luôn quan tâm tìm người hiền tài phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được xem là chủ trương mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển, càng đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải luôn luôn đề cao và phát huy bài học trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân