Sign In

Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước

14:06 07/06/2024
(Thanhhoa.dcs.vn): Với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội để phát triển kinh tế biển, tỉnh Thanh Hóa đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế biển, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển

Thanh Hóa nằm ở vị trí cầu nối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ với Vùng đồng bằng Sông Hồng; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta và Đông Bắc nước CHDCND Lào. Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội để phát triển kinh tế biển, với vùng lãnh hải rộng 17.000 - 18.000 km2, gấp 1,6 lần diện tích đất liền, đường bờ biển có dạng cánh cung dài 102km; dọc bờ biển có 07 cửa lạch, 02 đảo lớn (đảo Hòn Nẹ và cụm đảo Hòn Mê); nhiều bãi biển đẹp, bờ cát thoải rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển, như: Đô thị du lịch biển Sầm Sơn; Hải Tiến, Linh Trường (huyện Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn), Tiên Trang (huyện Quảng Xương)… Đây cũng là nơi trầm tích các giá trị văn hóa biển, với nhiều di tích, danh thắng và các di sản phi vật thể được thể hiện đậm nét trong các lễ hội độc đáo và sinh hoạt văn hóa của ngư dân. Khu vực ven biển của Tỉnh có Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, đặc biệt có Cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận được tàu tải trọng 70.000 DWT, khu vực ngoài khơi Cảng Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 200.000 DWT. Những yếu tố trên là điều kiện để Thanh Hóa phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, công nghiệp ven biển, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản…

Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế biển, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, từng bước xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế biển, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Về phát triển du lịch biển, để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch biển; trong 02 nhiệm kỳ gần đây, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều xác định phát triển du lịch là chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa du lịch trở thành một trụ cột tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với du lịch biển là một trong ba sản phẩm du lịch ưu tiên phát triển. Tỉnh đã chủ động ban hành các chiến lược, đề án để phát triển du lịch biển, như: Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…; triển khai xây dựng 13 quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch ven biển; ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch; tập trung kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện để các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn quy mô lớn hoàn thành đưa vào sử dụng, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo du lịch biển của tỉnh, như: Quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Flamingo Hải Tiến… Hiện các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh có khoảng 780 cơ sở lưu trú, với 35.300 phòng; 320 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống du lịch, với 36.200 ghế ngồi, đáp ứng nhu cầu tăng cao của du khách. Sản phẩm du lịch biển phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đã hình thành một số sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ tại thành phố Sầm Sơn; tour du lịch Đảo Mê, Đảo Nẹ; Festival dù lượn tại khu du lịch Hải Tiến... Trong giai đoạn 2021 - 2023, du lịch Thanh Hóa đã thu hút trên 26,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân 17,8%/năm.

Về phát triển công nghiệp ven biển, Khu kinh tế Nghi Sơn[1] đóng vai trò quan trọng, là động lực, "hạt nhân" tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong các chương trình trọng tâm xuyên suốt 03 nhiệm kỳ từ Đại hội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đại hội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng định hướng mục tiêu: "Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn, sớm đưa khu này trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước". Quán triệt sâu sắc các quan điểm đó, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và huy động tối đa các nguồn lực trong tỉnh để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Khu kinh tế Nghi Sơn để kêu gọi, thu hút đầu tư, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó lấy phát triển công nghiệp khu vực ven biển là nòng cốt. Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 332 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 25 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư 159.595 tỷ đồng và 12.827 triệu USD; một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành, đưa vào hoạt động đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,8 tỉ USD, Bến cảng quốc tế Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 5.870 tỉ đồng, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 1 có tổng mức đầu tư 4.980 tỉ đồng… Đặc biệt, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 9,3 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công nghiệp lọc hóa dầu, cung cấp bảo đảm 40% nhu cầu xăng dầu quốc gia. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã thu hút đầu tư, thành lập 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 304 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.335,7 tỉ đồng. Đến nay, một số cụm công nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều tuyến giao thông kết nối liên vùng qua địa bàn ven biển, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương; đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn… Đang triển khai một số tuyến lớn, như: Đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Hoằng Hóa - Sầm Sơn, Quảng Xương - thị xã Nghi Sơn; tuyến giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa…

Về hạ tầng cảng biển, tỉnh có 02 cảng biển là Cảng Nghi Sơn và Cảng Lệ Môn; trong đó Cảng biển Nghi Sơn là cảng biển loại I, đã được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng đặc biệt, hiện có 25 bến cảng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 70.000 DWT. Để khai thác hiệu quả thế mạnh của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư trung tâm logistics cấp vùng tại Khu kinh tế Nghi Sơn; ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng Container qua Cảng Nghi Sơn, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, các hãng vận tải biển lớn mở các tuyến vận tải container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn. Bước đầu đã thu hút được 02 hãng tàu CMA, CGM (Cộng hòa Pháp) và Công ty vận tải biển VIMC (Việt Nam) khai thác tuyến vận tải container quốc tế; năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng tăng qua từng năm, năm 2023 đạt 44,5 triệu tấn. Bên cạnh cảng biển, các cửa lạch trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi để xây dựng bến, cảng hàng hóa; trong đó Quảng Nham, Lạch Sung, Quảng Châu… đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về khai thác và nuôi trồng thủy sản, vùng biển Thanh Hóa được đánh giá có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với khoảng 426 loài thuộc 203 giống nằm trong 101 họ hải sản, chiếm 68,7% tổng số loài bắt gặp ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ; đặc biệt, vùng biển xung quanh khu vực đảo Hòn Mê có các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao, như: Bào ngư, cá mú, cá hồng, cá chình, tôm hùm… Tổng trữ lượng hải sản ước khoảng 140.000 tấn đến 165.000 tấn. Để phát triển thuỷ sản thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, chất lượng và bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều đề án, chính sách, như: Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đến năm 2030; chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; củng cố, phát triển các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển tỉnh… Toàn tỉnh hiện có 08 cảng cá, 04 khu neo đậu phục vụ cho tàu cá cập cảng, neo đậu tránh trú bão, với tổng sức chứa trên 2.000 tàu cá; có 6.057 tàu cá các loại, trong đó có 1.095 chiếc có chiều dài 15m trở lên; có 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản với tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm, trong đó có 05 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2023, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 215,6 nghìn tấn, tăng 11,5% so với năm 2020.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy lợi thế về biển, trong những năm qua, vùng ven biển của tỉnh đã trở thành khu vực phát triển năng động; tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2020-2023 đạt 12,94%, cao nhất Tỉnh. Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục phát huy vai trò động lực, "đầu tàu" dẫn dắt kinh tế của tỉnh; các đô thị, khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… phát triển sôi động; các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước và quý I năm 2024 ước đạt 13,15%, đứng thứ 3 cả nước; trong đó khu vực ven biển đóng góp khoảng 61% vào tăng trưởng của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác nguồn lực kinh tế biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đáng chú ý là: Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; du lịch biển được quan tâm đầu tư, nhưng chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực ven biển còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển; mối liên kết phát triển giữa các vùng, đô thị ven biển, giữa khu vực ven biển với nội địa và giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế biển còn thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế biển chưa nhiều; việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển chưa được quan tâm đúng mức; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Thu nhập của một bộ phận người dân khu vực ven biển, nhất là ngư dân còn thấp. Khu vực ven biển thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai, bão lụt, kéo theo mưa lớn, sạt lở đất và nước biển dâng với quy mô và hậu quả gây ra ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân…

Phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định:“Phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội, trong đó phát triển đột phá và bền vững vùng ven biển và hải đảo với 2 cực tăng trưởng là thị xã Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn”; điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thế kỷ XXI được các chuyên gia đánh giá là thế kỷ của biển và đại dương; kinh tế biển nắm giữ tiềm năng vô cùng lớn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới[2].

Để khai thác hiệu quả nguồn lực kinh tế biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội và ý nghĩa của việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế biển, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, chủ quyền biển, đảo. Bám sát các quy hoạch quốc gia, rà soát, sửa đổi, bổ sung, khớp nối, nâng tầm và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch của tỉnh liên quan đến biển, đảo, bảo đảm kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thứ hai, khai thác tiềm năng, lợi thế không gian biển, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế biển.

- Đối với du lịch biển: Tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch biển mới, đẳng cấp, độc đáo và khác biệt để tăng sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách và xây dựng thương hiệu, hướng đến phát triển du lịch 4 mùa; trong đó tập trung phát triển 3 trung tâm du lịch biển chính dọc bờ biển: Khu vực Hải Tiến - Linh Trường - Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa); thành phố Sầm Sơn và huyện Quảng Xương; trung tâm Hải Hòa và khu vực Hòn Mê (thị xã Nghi Sơn). Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển đảo tại khu vực đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê; du lịch khám phá đáy biển và các loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khác.

- Đối với công nghiệp ven biển: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút và triển khai các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ven biển, công nghiệp gắn với biển có lợi thế, như: Công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm sau lọc hóa dầu, công nghiệp kim loại và luyện kim, chế biến thực phẩm... Tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng thiết yếu, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Thu hút đầu tư các dự án điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII tại Khu kinh tế Nghi Sơn; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phù hợp với quy hoạch.

- Đối với kinh tế hàng hải: Đẩy mạnh khai thác thế mạnh của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn; từng bước nâng cấp Cảng Nghi Sơn thành cảng đặc biệt để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng; đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng: Lệ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, góp phần bảo đảm nguồn thu xuất nhập khẩu cho Trung ương và tăng thu ngân sách tỉnh. Phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

- Đối với khai thác và nuôi trồng hải sản: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chuyển đổi mạnh mẽ khai thác thủy sản theo hướng giảm phương tiện khai thác ven bờ, tăng tàu cá lớn để khai thác xa bờ, gắn với tái sinh nguồn lợi hải sản; hình thành các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội sản xuất trên biển. Đầu tư nâng cấp cảng cá Hải Châu, Quảng Nham, Hoằng Trường; khu neo đậu tránh, trú bão Lạch Hới, Lạch Bạng...

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo sự kết nối giữa 04 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh[3], nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững; từng bước hình thành hành lang kinh tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn và tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, công nghiệp nặng, công nghiệp lọc hóa dầu...; có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có chuyên môn sâu về biển. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển.

Thứ năm, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, các hệ sinh thái biển tự nhiên; nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo. Tăng cường quản lý nhà nước trên biển, đảo, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trên biển trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển, đảo; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo./.

 

[1] Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2006 (tại Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg, ngày 15-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ) với diện tích là 18.611,8 ha bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Ngày 07-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg, theo đó Khu kinh tế Nghi Sơn được mở rộng lên 106.000ha (trong đó diện tích đất liền và đảo 66.497,57ha; diện tích mặt nước 39.502,43ha).

[2] Báo cáo “Kinh tế Biển 2030” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

[3] gồm: (1) Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, (2) Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), (3) Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn), (4) Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng)

Tiến sĩ Đỗ Trọng Hưng,

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ,

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa

Tag:

File đính kèm