Sign In

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền Tây

17:10 06/12/2024

"Tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, nghiên cứu, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại, du lịch, thúc đẩy giao thương, tiêu thụ hàng hóa cho các DN ở miền núi. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng gắn kết với các khu, điểm du lịch, với mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch nổi trội, tạo điểm nhấn sắc nét trên bản đồ du lịch của tỉnh cũng như trong khu vực". Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại Hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền Tây Thanh Hóa năm 2024.

Chiều 6/12, tại huyện Thường Xuân, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền Tây Thanh Hóa năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyToàn cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức hội doanh nghiệp (DN), hội du lịch, đơn vị lữ hành, nhà phân phối sản xuất kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyPhó Giám đốc Sở Công Thương Trần Đức Lương thông tin về tình hình kinh tế - xã hội khu vực miền núi.

Khu vực miền Tây Thanh Hóa bao gồm 11 huyện, với diện tích tự nhiên gần 8.000 km2; dân số trên 1,1 triệu người; trong đó hơn 70% là đồng bào người dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương khu vực miền Tây Thanh Hóa đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, du lịch. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm của khu vực miền núi ước đạt 10,25%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương tăng trưởng bình quân 20%/năm; DN thương mại tăng trung bình từ 8% - 10%/năm.

Với điều kiện địa hình chia cắt mạnh tạo các vùng có khí hậu khác nhau, nhiều sông suối, ao, hồ, diện tích mặt nước lớn, thế mạnh của các cơ sở sản xuất trên địa bàn khu vực miền núi là những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đã xuất hiện lâu đời.

Nhiều sản phẩm ở khu vực miền núi mang tính đặc hữu, quý hiếm, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển hàng hóa, như: tinh dầu quế và ống hút tre của huyện Thường Xuân; kẹo nhãn Châu Lang, mật ong rừng Chí Linh Sơn, muối mắc khẻn Mường Đeng của huyện Lang Chánh; mía Kim Tân, cam Vân Du, cam Vy Giang, ổi của huyện Thạch Thành; mật ong rừng Pù Luông, trà quýt hoi huyện Bá Thước; miến dong Đồi Ao, mật ong hương rừng Đất Cẩm, rượu nếp thơm Sơn Thành, của huyện Cẩm Thuỷ; miến dong Hương Ngọc, gạo nếp hạt cau Thạch Lập, bột sắn dây Hương Quê, các sản phẩm thổ cẩm của huyện Ngọc Lặc; nếp Cay Nọi, thịt trâu gác bếp huyện Mường Lát; bánh nhãn Mường Ca Da, măng khô, thịt bò sấy, măng chua Piềng Cú huyện Quan Hoá; chè tán ma của huyện Quan Sơn...

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyPhó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vương Thị Hải Yến phát biểu tại hội nghị.

Toàn khu vực đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược liệu chất lượng cao, với 135 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong tỉnh, trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Các huyện miền núi cũng đã xây dựng, phát triển được các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; trong đó, nhiều chuỗi đã và đang phát huy hiệu quả như: Chăn nuôi bò sữa gắn với nhà máy chế biến sữa của các DN lớn.

Hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển nhanh chóng. Giai đoạn 2020 – 2024, lượng khách đến với du lịch cộng đồng miền núi của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,7%, cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyPhó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Văn Hiệp phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, du lịch gắn với hình thành các sản phẩm hàng hoá tiêu biểu khu vực miền Tây Thanh Hoá; thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản, tăng doanh thu dịch vụ, đầu tư phát triển du lịch miền Tây trong thời gian tới.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyChủ tịch UBND huyện Thường Xuân Lôi Quang Vũ tham luận tại hội nghị.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyPhó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi và đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì thảo luận.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyLãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao, Du lịch tỉnh tham luận về: Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Đại diện lãnh đạo các huyện miền núi cũng phân tích một số tồn tại, hạn chế trong phát triển thương mại, du lịch tại khu vực miền núi như: Quy mô liên kết chuỗi phần lớn là nhỏ lẻ, tính bền vững chưa cao; tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết chuỗi còn thấp; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở một số địa phương, DN, HTX còn gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua hệ thống chợ truyền thống; người sản xuất vẫn còn bị động trong sản xuất, thiếu thông tin thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị; các vấn đề liên quan đến vận chuyển, sự thiếu bền vững của các vùng chuyên canh, quy trình thu hoạch - bảo quản...

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyĐại diện Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư và Thương mại, Du lịch tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX xác định là một trong 6 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều chương trình, Kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tại khu vực này cũng đã được UBND tỉnh triển khai.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyPhó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị kết nối.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành đơn vị tiếp tục quan tâm, tham mưu tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh để phát triển hạ tầng thương mại, du lịch tại các huyện miền núi; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, xúc tiến, quảng bá du lịch cho các huyện miền núi và liên kết với các khu, điểm du lịch nổi bật tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch có chất lượng cao; thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, nông sản thực phẩm, sản phẩm du lịch của các địa phương miền núi.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyĐại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ các DN, HTX sản xuất và các DN phân phối trong tỉnh nói chung và tại 11 huyện miền núi của tỉnh nói riêng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa để gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kết hợp kiểm tra năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN, HTX; kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các DN, đơn vị trong khâu tiêu thụ hàng hóa; xây dựng và phát triển thương hiệu; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại để hướng tới xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong khu vực có chất lượng cao và phù hợp với thị hiếu ra thị trường quốc tế.

Đồng chí cũng đề nghị các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường; tăng cường thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, thương mại, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương; khai thác tối đa tiềm lực, thế mạnh về du lịch, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cũng như tăng cường quảng bá thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyCác đại biểu chứng kiến biên bản ghi nhớ về kết nối cung - cầu giữa Công ty CP Tập đoàn Miền Núi và các DN, HTX.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyCác đại biểu chứng kiến biên bản ghi nhớ về kết nối cung - cầu giữa Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ The City Việt Nam và các DN, HTX.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền TâyHiệp hội Du lịch Thanh Hoá Ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH tư vấn Đầu tư & Phát triển Nông nghiệp VINACO.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký các biên bản ghi nhớ về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và hợp tác phát triển giữa các DN sản xuất và DN tiêu thụ, phân phối; các DN du lịch lữ hành trong tỉnh.

Minh Hằng - Lê Hợi

Tag:

File đính kèm