Sign In

Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực

05:29 04/10/2024
(CTTĐT) - Thời gian qua, Công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được các kết quả khá toàn diện và nổi bật, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đơn giản hóa, số hóa thủ tục

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 438/KH-UBND ngày 31/12/2023 về rà soát, đánh giá TTHC năm 2024 nhằm kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu nguyên tắc về quy định và thực hiện TTHC, hoặc để cắt giảm chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ TTHC; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội.

Hiện nay, 100% TTHC sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh cập nhật vào Hệ thống thông tin TTHC của tỉnh theo đúng quy định và công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Niêm yết công khai đầy đủ, đúng quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.059 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 09 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện và 141 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại cấp xã, đạt 100% theo quy định. Trong đó, cấp sở 1.554 TTHC một cửa với 459 TTHC liên thông; UBND cấp huyện 367 TTHC một cửa với 35 TTHC liên thông; UBND cấp xã 138 TTHC một cửa  với 17 TTHC liên thông. 100% TTHC đủ điều kiện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp.

Thời gian qua, tỉnh cũng tiếp tục triển khai chỉ đạo đẩy mạnh công tác số hóa, tái sử dụng dữ liệu số hóa và cung cấp, tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến, thực hiện việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, ký số vào kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết TTHC được cơ quan có thẩm quyền giải quyết ký số và lưu vào kho dữ liệu. UBND tỉnh đã ban hành 18 Quyết định phê duyệt danh mục 1.130 thành phần hồ sơ TTHC phải số hóa phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong quá trình giải quyết TTHC của người dân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với trục liên thông văn bản Quốc gia theo mô hình 04 cấp.

Đến nay đã có trên 77.387 tài khoản ví điện tử đã được đăng ký trên ứng dụng Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S trên địa bàn tỉnh. Người dân có thể theo dõi được tất cả các hóa đơn như dịch vụ công, tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường, học phí,… trên Hue-S, thanh toán dịch vụ chỉ cần 1 lần chạm mà không phải cài đặt, mở thêm bất cứ ứng dụng nào khác.

Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại. Toàn tỉnh có 1.953 TTHC trong đó có 1.859 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 95% gồm: 787 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm tỷ lệ 40,29% và 1072 TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến một phần.


Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được liên thông  theo mô hình 04 cấp

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, công tác CCHC thời gian qua được UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác CCHC, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Các cơ quan, địa phương hầu hết đã tích cực nghiên cứu, thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Việc hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển chính quyền số luôn được triển khai mạnh mẽ; hệ thống văn bản QPPL trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, quản lý nhà nước tốt hơn. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên.

“Tỉnh đảng tăng cường việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh. Triển khai và lập kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024; điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tag:

File đính kèm