Sign In

Thành phố Mỹ Tho thực hiện chủ đề năm 2024: "Đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, tạo đột phá trong phát triển du lịch"

00:00 12/05/2024
Thực hiện Thông báo số 359/TB-TU ngày 25/12/2023 của Thành ủy Mỹ Tho về việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố - "Đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, tạo đột phá trong phát triển du lịch", Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Mỹ Tho đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 1219/KH-UBND ngày 27/3/2024 về việc thực hiện chủ đề năm 2024.


UBND thành phố Mỹ Tho tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2024.

Thực hiện chủ đề năm 2024 "Đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, tạo đột phá trong phát triển du lịch", thành phố Mỹ Tho sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể trong công tác đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố, UBND các phường, xã tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; trong đó nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và giải pháp thực hiện chuyển đổi số; thông qua tuyên truyền, làm rõ thông điệp "mỗi người bằng việc làm cụ thể của mình tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số". Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp các đơn vị viễn thông mở rộng phạm vi thí điểm mạng thông tin di động 5G; nâng cao tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân, tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở các xã theo Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025: Đảm bảo ít nhất 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 80% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh, 80% hộ gia đình có kết nối Internet cáp quang băng rộng.

Các phòng, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện và khai thác các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin chuyên ngành; phát triển, xây dựng mới hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu ngành; các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật dữ liệu lên các phần mềm, hệ thống thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND phường, xã chủ động nghiên cứu, đề xuất ý tưởng xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, cụ thể các cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện: 100% văn bản điện tử được ký số theo quy định, trong đó có 50% văn bản điện tử ký số toàn trình; 90% hồ sơ lưu trữ điện tử được tạo lập và quản lý trên hệ thống phần mềm theo quy định; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ sử dụng dịch công trực tuyến so với tổng hồ sơ hành chính được tiếp nhận, giải quyết đạt 60%; thực hiện công tác số hóa hồ sơ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải được số hóa và tạo lập, lưu trữ vào Kho dữ liệu điện tử cho tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Vận động, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt ít nhất 80%; 100% dịch vụ công trực tuyến có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công tỉnh; 40% tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công trực tuyến được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, trong đó có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp; trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; ít nhất 85% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế do thành phố quản lý thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thành phố tiếp tục phổ cập kỹ năng số, khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng Nền tảng công dân số tại địa chỉ https://congdanso.mic.gov.vn và ứng dụng công dân số tỉnh Tiền Giang (ứng dụng TienGiangS). 70% dân số trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng số cơ bản để khai thác các nền tảng số, dịch vụ số; đẩy mạnh triển khai chữ ký số cá nhân hoặc chữ ký điện tử cho ít nhất 50% dân số trưởng thành để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và các giao dịch trên môi trường điện tử. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh gồm: Hệ thống thông tin quản lý đô thị, ứng dụng tuyển sinh trực tuyến, nâng cấp IOC giai đoạn 1, mở rộng hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng, bản đồ số du lịch và Hệ thống Callbot, Chatbot giai đoạn 1.

Đối với công tác tạo đột phá trong phát triển du lịch, thành phố triển khai tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố về công tác phát triển du lịch, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch; xác định du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, bao gồm trong đó cả giá trị về kinh tế và văn hóa, có vai trò thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tạo động lực cho các ngành khác cùng phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp Trung tâm Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Du lịch thành phố và các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội có quy mô lớn vào thời điểm các kỳ nghỉ lễ, Tết để thu hút khách du lịch đến thành phố Mỹ Tho; kết hợp các sự kiện lớn về kinh tế - xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng để kết nối các tour du lịch. Phấn đấu tổng lượt khách du lịch đến Mỹ Tho năm 2024 tăng 15% so năm 2023. Kết nối các dịch vụ liên quan tạo chuỗi sản phẩm về tham quan, ẩm thực, giải trí, mua sắm, lưu trú. Phát triển các dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí về đêm để thu hút khách lưu trú; kích cầu mua sắm thông qua các chương trình giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi hấp dẫn. Nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng của địa phương để đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, thiết kế mẫu mã, bao bì đẹp, độc đáo phù hợp làm quà tặng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Phòng Kinh tế phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, các ngành liên quan và UBND xã Thới Sơn tham mưu xây dựng hoàn chỉnh và triển khai thực hiện mô hình thí điểm "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang"; xây dựng 3 điểm bán hàng OCOP; thiết kế xây dựng 26 gian hàng mẫu bán hàng lưu niệm. Phối hợp các đơn vị có liên quan thuê chuyên gia tư vấn hướng dẫn các hộ dân có điều kiện xây dựng các chuỗi du lịch cộng đồng gắn với điểm đến của hộ gia đình và hoạt động sinh kế của người dân như: homestay, làm bánh, mứt, kẹo, nuôi ong mật, nuôi cá bè, làng nghề truyền thống, trồng cây ăn trái ...; hướng dẫn chủ các khu du lịch biết cách đầu tư sản phẩm du lịch một cách chuyên nghiệp (xây dựng cảnh quan, các hoạt động vui chơi, các sản phẩm đặc trưng,...); thiết kế bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thới Sơn.


Thành phố Mỹ Tho tập trung tạo đột phá trong phát triển du lịch.

Thành phố sẽ tập trung thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch như: Tiếp tục khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch, sản phẩm du lịch hiện có; hỗ trợ các điểm du lịch mới lập hồ sơ để được công nhận theo quy định; vận động các doanh nghiệp, hộ dân, các tổ chức, cá nhân phối hợp, kết nối mở thêm nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch sự kiện, du lịch chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu, thiết kế thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, độc đáo: Chuỗi du lịch cộng đồng ở Thới Sơn, Phố đi bộ tại khu vực công viên Tết Mậu Thân; hỗ trợ nâng chất điểm du lịch Phố ông đồ (Phường 5). UBND xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh chủ động phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin và các đơn vị liên quan khảo sát, xem xét phương án phát triển tour du lịch làng hoa - tết quê - làng nghề; mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp; mỗi phường, xã xây dựng, phát triển ít nhất 01 địa chỉ phục vụ du lịch (tham quan, trải nghiệm, mua sắm, ẩm thực hoặc các dịch vụ khác). Thành phố sẽ đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch tại các kỳ hội chợ du lịch, sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch... Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương để quảng bá xúc tiến du lịch.

Việc thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố: "Đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, tạo đột phá trong phát triển du lịch" nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị, vận động sâu rộng trong Nhân dân tích cực thực hiện các nội dung về chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực và tham gia phát triển du lịch nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và sự hài lòng của người dân, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của thành phố Mỹ Tho; đồng thời nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, các tầng lớp Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của ngành du lịch thành phố, nâng cao vị thế ngành du lịch Mỹ Tho trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; từng bước xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, là động lực thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực thương mại, dịch vụ nói riêng và kinh tế, xã hội thành phố nói chung.                                 

Thanh Tùng

Tag:

File đính kèm