Sign In

Người dân phấn khởi khi cống âu Nguyễn Tấn Thành được đưa vào sử dụng

00:00 16/11/2024
Sau gần 2 năm tích cực triển khai, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành đã hoàn thành trước tiến độ. Việc đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp của khu vực phía Tây, tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, người dân trong vùng dự án rất phấn khởi, an tâm sản xuất khi đến mùa hạn, mặn.


Cống âu Nguyễn Tấn Thành hiện đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với 3 đợt hạn, mặn gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực phía Tây của tỉnh. Trước tình hình này, việc đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn là vấn đề cấp bách.

Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh, Tiền Giang đã tập trung đầu tư dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, gồm 6 cống lớn: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn. Cùng với việc đầu tư 6 cống này, Trung ương cũng đã đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành trên kinh Nguyễn Tấn Thành để phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Công trình có tổng mức đầu tư là hơn 518 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng cống âu là hơn 460 tỷ đồng.

Sau gần 2 năm triển khai, công trình hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, trong mùa khô năm 2022 - 2023 và năm 2023 - 2024, công trình đã kịp thời ngăn mặn giúp tỉnh Tiền Giang không phải đắp đập tạm bằng thép. Hiện công trình đã được đưa vào sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân, bởi những hiệu quả mang lại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Phan Ngọc Minh (ấp Tân Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) có 6 công đất trồng cây sa pô, bưởi, dừa. Trước khi cống Nguyễn Tấn Thành được đầu tư, vào mùa hạn, mặn năm 2020, vườn cây của ông Minh bị thiệt hại do hạn, mặn xâm. Cây cối bị chết, suy kiệt, gây thiệt hại lớn. Gia đình ông phải tốn chi phí trồng mới lại nhiều cây trong vườn. "Khi Nhà nước đầu tư cống Nguyễn Tấn Thành, người dân địa phương rất phấn khởi. Bởi người dân sống gần công trình đã không còn lo sạt lở. Mặt khác, nước mặn cũng không còn đe dọa đến việc sản xuất nông nghiệp khu vực bên trong cống" - ông Minh phấn khởi nói.

Cách nhà ông Minh không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Hà (xã Song Thuận) có trồng 2 công đất trồng dừa Xiêm. Những năm mặn xâm nhập sâu, vườn dừa bị thiếu nước ngọt để tưới. "Sau khi kết thúc mùa mặn, năng suất dừa giảm, thu nhập giảm 1 nửa so với những tháng bình thường. Nhà nước đầu tư cống ngăn mặn tại khu vực này khiến tôi rất mừng. Khi mùa mặn tới, cống đóng sẽ giữ nước ngọt lại để người dân bơm vào vườn tưới cây trồng. Năm rồi, cống Nguyễn Tấn Thành cũng đóng ngăn mặn nên tình hình nước tưới của người dân trong khu vực cũng cơ bản đáp ứng được" - ông Hà chia sẻ.


Người dân an tâm sản xuất khi cống Nguyễn Tấn Thành được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đáp ứng mong mỏi của người dân, việc đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành có ý nghĩa lớn đối với các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND xã Song Thuận, hằng năm, khi hạn, mặn xảy ra, việc thiếu nước sản xuất trên địa bàn xã rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi được Trung ương quan tâm đầu tư cống âu Nguyễn Tấn Thành, trong mùa hạn, mặn năm 2024, tình hình thiếu nước tưới đã cơ bản được khắc phục. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện khoảng 735 ha, trong đó dừa và sa pô là cây trồng chủ lực. Công trình đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, bảo vệ sản xuất. Người dân rất đồng tình và phấn khởi khi công trình được đầu tư. Người dân an tâm về sản xuất, đời sống kinh tế ngày càng phát triển tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, cống âu Nguyễn Tấn Thành đưa vào sử dụng sẽ kết hợp với hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 giúp ngăn mặn, tích trữ nước ngọt trong hệ thống sông, kinh rạch của vùng dự án. Các công trình sẽ bảo vệ và phục vụ trực tiếp cho khu vực cây ăn trái trọng điểm của tỉnh Tiền Giang với khoảng 38.940 ha. Đồng thời, nâng cao đầu nước để dẫn nước từ phía thượng lưu thông qua hệ thống các kinh trục đến khu vực phía Đông của Dự án Bảo Định. Ngoài việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, dự án có tầm quan trọng và quyết định đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Dự án sẽ góp phần tạo nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Long An, phục vụ cho khoảng 1,1 triệu người dân. Việc đầu tư cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ giúp tỉnh Tiền Giang không phải đắp đập tạm vào mùa khô hằng năm để ngăn mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Dự án Bảo Định vẫn còn một số cống chưa được đầu tư nên gây khó khăn cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất; đặc biệt là khu vực trồng thanh long, rau màu với các cống Kinh 1, Kinh 2, Kinh 3, Chợ Bưng, Kinh Nhỏ, Hiếu Điền. Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh Tiền Giang đầu tư các công trình để hoàn thiện Dự án Bảo Định trong thời gian tới.

T. Đạt

Tag:

File đính kèm