Thời gian qua, tình trạng cán bộ né việc, né trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội đất nước, gây bức xúc trong xã hội.
Mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để làm thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Nguy hiểm từ nhận thức “không làm thì không sai”
Hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành Trung ương. Tâm lý sợ sai thể hiện rõ trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đã được báo chí phản ánh.
Tâm lý sợ sai từ những lĩnh vực nhạy cảm có dấu hiệu lan rộng sang nhiều lĩnh vực, thậm chí xuất hiện hiện tượng né việc, cán bộ không muốn ký bất cứ văn bản nào.
|
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Đặc biệt, cán bộ trong quá trình luân chuyển công tác càng có biểu hiện ngại việc, có tâm lý thủ thế, tránh sai sót, để chờ hết thời gian luân chuyển. Có đơn vị phản ánh họ rất nản lòng với một vị cán bộ thuộc diện này, bởi bất cứ văn bản nào trình lên cũng bị vị cán bộ này hỏi ngược lại rằng: “Tôi có đủ thẩm quyền ký không?”, rồi lưu văn bản đó lại để nghiên cứu, gây ách tắc công việc, mặc dù những văn bản trên hoàn toàn đúng thẩm quyền và theo thông lệ thường kỳ.
Điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn và giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội; cản trở nguồn lực và động lực phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.
Đáng lo ngại là đang có lối nghĩ khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức là "không làm thì không sai". Đây là dấu hiệu "tự diễn biến" trong tư tưởng chính trị của cán bộ, công chức, gây cản trở nghiêm trọng tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cho biết, có tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, có cán bộ đã tâm sự rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Thực tế diễn biến tư tưởng này cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang phân tách việc vi phạm kỷ luật với vi phạm pháp luật. Họ cho rằng vi phạm kỷ luật công vụ thì bị kỷ luật đảng (với các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ), kỷ luật hành chính với các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm (đối với cán bộ) hay khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc (đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), hoặc là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Nhưng nếu vi phạm pháp luật thì cán bộ, công chức có thể sẽ phải chịu án hình sự, có thể phải ngồi tù.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, có 4 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tâm lý sợ sai, trong đó năng lực chuyên môn của bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; người đứng đầu một số đơn vị chưa nêu gương nghiêm túc; thể chế về kinh tế-xã hội còn bất cập, chồng chéo hoặc có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được sửa kịp thời.
Công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, nhiều cán bộ, công chức sai phạm nghiêm trọng bị kỷ luật, khởi tố dẫn đến một bộ phận có tâm lý sợ sai. Nhìn nhận với góc độ tư tưởng chính trị, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh rằng, dù vì nguyên nhân nào thì cán bộ sợ sai, không dám làm là vi phạm quy định, có biểu hiện suy thoái, cần nghiêm khắc phê phán và phải có giải pháp để triệt tiêu hiện tượng tiêu cực này.
Đổ lỗi cho việc sợ sai phạm pháp luật để né việc, đùn đẩy trách nhiệm chỉ là một cách ngụy biện, bởi thực tế, cùng quy định pháp luật, cùng cơ chế nhưng một số địa phương vẫn thực hiện tốt đầu tư công, tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, cán bộ vẫn năng động, sáng tạo, dám làm và làm tốt. Do đó, không thể đổ lỗi hoàn toàn do vướng mắc về quy định, cơ chế để không thực thi công vụ.
Thủ thuật để chây ì công việc
Nhìn ở khía cạnh luật pháp, đồng chí Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hành vi không làm gì cả là vi phạm pháp luật bởi không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước trao. Như vậy là vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật, phải xử lý.
Tuy nhiên, tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện nay chưa thấy những quy định cụ thể để xử lý cán bộ, công chức né việc, chỉ thấy các quy định xử lý khi cán bộ không chấp hành giờ làm việc, nghỉ việc không đúng quy định, làm việc riêng trong giờ hành chính... Còn khi cán bộ, công chức vẫn ở cơ quan theo đúng quy định thì không dễ để xử lý khi công việc chưa hoàn thành.
Thời gian qua, xuất hiện một kiểu hành xử khá "cù nhầy" trong thực thi công vụ, ấy là cứ gửi văn bản lên hỏi cấp trên, hỏi các cơ quan quản lý ngành, mặc dù theo quy định của pháp luật thì cơ quan, địa phương ấy đủ thẩm quyền để quyết định, xử lý công việc và chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý ngành khi nhận được văn bản lại trả lời rất chung chung là: “Đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy là "quả bóng" trách nhiệm cứ được đá qua đá lại giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Công việc cứ bị đình trệ, thiệt hại thì rất lớn, nhưng cũng không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Bởi thực tế là với một cán bộ không tham mưu hay ký quyết định bị phát hiện là sai phạm pháp luật thì cũng không dễ để xử lý, kỷ luật họ. Công việc chưa thông nhiều khi được cán bộ giải thích rằng chưa đủ căn cứ pháp luật để giải quyết và việc gửi các văn bản hỏi lòng vòng một cách không cần thiết cũng được giải thích là quá trình thực thi nhiệm vụ, không dễ để bắt lỗi.
Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, thời hạn rõ ràng và thay thế cán bộ
Để giải quyết tình trạng chây ì, né việc, né trách nhiệm trong cán bộ, công chức hiện nay, nên nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:
Trước hết, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Cần phải chọn bằng được những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giao trọng trách. Muốn vậy thì phải thực hiện tốt quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Công tác cán bộ có sạch thì Đảng mới mạnh, tổ chức mới mạnh, công việc mới thông, quốc gia mới phát triển.
Thứ hai, cần thường xuyên xem xét, sửa đổi các luật, các quy định không phù hợp với thực tiễn, để luật mang tính khả thi cao, tránh rủi ro cho đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Chọn cán bộ tốt đồng thời cũng phải có phương pháp và quy định để đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Một cán bộ tốt nhưng được giao vào một vị trí công việc chưa phù hợp cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó. Nếu cán bộ giữ vị trí chủ trì thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của cơ quan, đơn vị.
Do vậy, cần giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho cơ quan, đơn vị và cho cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị ấy một cách rõ ràng. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì cần xem xét điều chuyển cán bộ ấy sang một vị trí khác, chọn người khác phù hợp hơn. Việc giao chỉ tiêu và quy trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có tác dụng rất lớn đến việc đốc thúc để công việc chạy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt là: “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”, tỏ rõ thái độ đối với những cán bộ trì trệ, sợ trách nhiệm, né việc. Do vậy, những đơn vị, địa phương nào bị phản ánh nhiều về sự trì trệ, biểu hiện né tránh trách nhiệm thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và có giải pháp thay thế phù hợp. Phải đả phá để thay đổi hẳn quan niệm “không làm thì không sai” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấy rằng: Không làm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị quy trách nhiệm, bị xử lý.
Thứ tư là đối với cán bộ trong diện quy hoạch, được luân chuyển công tác, cần xem xét kỹ chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí luân chuyển. Không nên để tồn tại tâm lý “án binh bất động” trong một bộ phận cán bộ thuộc diện quy hoạch được luân chuyển để thử thách. Chính thời gian luân chuyển này là cơ hội để cán bộ thể hiện rõ năng lực, nhiệt huyết cống hiến của mình, từ đó tổ chức mới sắp xếp cán bộ theo quy hoạch.
Thứ năm là cần xây dựng và áp dụng các công cụ để định lượng, đánh giá một cách chính xác, khoa học chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hiện nay, công tác đánh giá cán bộ còn cảm tính, chưa có các công cụ để đo lường hiệu quả chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Ở những nơi công việc bị tắc nghẽn, chậm trễ thì cán bộ vẫn có thể được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ở các nước phát triển, có rất nhiều công cụ để đo lường hiệu quả làm việc của nhân sự, ví dụ như chỉ số KPI mà hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng khá hiệu quả. Chỉ số này có tiêu chuẩn chung, dựa vào đó, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, muốn đánh giá được hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thì các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành được giao cho các bộ, ngành, địa phương cũng phải hết sức cụ thể, rõ ràng.
Thứ sáu là cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thế nhưng, Kết luận số 14-KL/TW cần được thể chế hóa thành các quy định cụ thể của pháp luật, từ đó cán bộ có chỗ dựa mới tự tin khi thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích chung.
Thứ bảy là đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ. Khi người cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình sẽ luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng.
Đồng thời, đạo đức cách mạng sẽ thúc đẩy người cán bộ, đảng viên nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ, không thể đành lòng nhắm mắt làm ngơ trước một núi công việc, không thể làm ngơ trước sự trông mong, tin tưởng của tổ chức, xã hội và nhân dân. Bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện ở ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường, dũng cảm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Cùng với đó, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Người cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn sẽ tạo ra niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền, làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền không hoài nghi, dao động trước những quyết định của mình. Từ đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn có bầu không khí sôi nổi, tự tin trong mọi hoạt động.
Khi những yếu tố nêu trên được tích lũy đầy đủ, người cán bộ sẽ luôn phát huy tốt tinh thần “7 dám”, không sợ trách nhiệm, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.
(Theo qdnd.vn)