Sign In

Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030

00:00 21/02/2024
Ngày 25/01/20224, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 04 mục tiêu: (1) Tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế; (2) Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. (3) Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; (4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 05 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: (1) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh; trong khắc phục hậu quả chiến tranh và phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; (2) Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đáp ứng nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; (3) Nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế; (4) Tích cực thúc đẩy và tham gia các sáng kiến, giải pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về Phụ nữ, hòa bình và an ninh; (5) Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình, an ninh.

Theo Quyết định, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng trong năm 2024 Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình hành động, tổ chức sơ kết giữa kỳ vào năm 2027, tổng kết Chương trình hành động vào năm 2030.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ rà soát, bổ sung, lồng ghép phù hợp các nội dung thực hiện Chương trình hành động, bao gồm đánh giá tác động, trong các kế hoạch, chiến lược, chương trình của địa phương về khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, điều kiện thực tế của địa phương; Cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động do địa phương thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước.

Liên quan đến nội dung này, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện được những nội dung sau:

1. Về công tác bình đẳng giới:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch liên quan đến triển khai công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 23/4/2021 về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 05/3/2021 về thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 14/4/2022 về thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch số 113/KH-BVSTBPN ngày 31/3/2023 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh về thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023. Trong đó, Chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 phấn đấu đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được tín nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo trong Đảng và chính quyền các cấp đã góp phần thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhiều; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt tỷ lệ khoảng 30%. Tỉnh hiện có trên 4.100 chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nữ.

Tuy nhiên, cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, có nơi cán bộ chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giới và bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên còn lúng túng trong việc tham mưu triển khai thực hiện mục tiêu, kế hoạch về lĩnh vực bình đẳng giới. Vấn đề định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong xã hội nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng, nhưng việc thay đổi định kiến về giới không thể thực hiện ngay được. Bên cạnh đó, vai trò về giới cũng ảnh hưởng và là trở ngại lớn đối với phụ nữ khi tham gia lãnh đạo, quản lý.

2. Về công tác phòng ngừa và bảo vệ phụ nữ trước tình trạng bạo lực trên cơ sở giới:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với vấn đề phân biệt giới, bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới như: Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 05/3/2021 thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 14/4/2022 thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Duy trì hoạt động có hiệu quả 471 địa chỉ đáng tin cậy tại cộng đồng; 292 đội phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy hiệu quả vai trò của 697 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, xây dựng mối đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư, mọi thành viên trong gia đình, góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 473.270 hộ, trong đó có 447.938 hộ đạt 3 tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, đạt 94,65%, tăng 0,4% so cùng kỳ năm 2022; có 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa, đạt 100%, tăng 1 ấp so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh có 172 xã, phường, thị trấn, trong đó có 166 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường/thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…

3. Về các tác động cụ thể về giới, cũng như tiềm năng của phụ nữ trong tham gia, đóng góp vào giải quyết, ứng phó, hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội trước các tác động trực tiếp và lâu dài của một số vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế, chính trị tại địa phương:

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do tác động bởi biến đổi khí hậu, hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và tổ chức quán triệt trong cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện với những văn bản cụ thể sau:

- Kế hoạch số 116-KH/TU ngày 22/6/2020 của Tỉnh ủy Tiền Giang về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Quyết định số 2604/QĐ-UBND ngày 02/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 25/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2030.

Tiền Giang vào mùa khô hàng năm, độ mặn trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ lấn sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ở các huyện phía Đông, nhất là 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Hậu quả là người phụ nữ dễ bị tổn thương do mất việc làm vì phần lớn phụ nữ làm kinh tế gia đình.

Chiến tranh để lại hậu quả to lớn hiện nay, toàn tỉnh có 11.817 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có đến 1.080 nạn nhân bệnh nặng rất cần sự giúp đỡ. Hậu quả là người phụ nữ và trẻ em gái dành nhiều thời gian lo việc gia đình và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.

Thời gian qua, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, nhất là mưa to kèm theo dông lốc và sạt lở ven sông, ven biển, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như thiệt hại về kinh tế và tài sản. Trước tình hình trên, công tác phòng, chống thiên tai rất được các ngành, các cấp và Nhân dân tỉnh Tiền Giang quan tâm và ứng phó có hiệu quả, tuy nhiên có thiệt hại về tài sản nhưng tính mạng con người được đảm bảo an toàn.

Minh Thư

Tag:

File đính kèm