Sign In

Hiệu quả bước đầu trong triển khai “Sổ tay đảng viên điện tử” ở Trà Vinh

10:24 25/08/2023
Hiện nay, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi hoạt động của xã hội.

 

Hướng dẫn sử dụng thí điểm phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và đảng viên Đảng bộ xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành ngày 29/3/2023.

 

Đối với tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các lĩnh vực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 28/6/2022 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và của địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường việc trao đổi, xử lý, khai thác dữ liệu, lưu trữ thông tin trên mạng máy tính; phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng nhằm hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đồng chí Phan Thanh Đoàn, Trưởng phòng Phòng Tuyên truyền, Báo chí, Văn hóa, văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thư ký Ban Chỉ đạo Đề án Sổ tay đảng viên điện tử, hướng dẫn, trao đổi thông tin với đảng viên huyện Trà Cú về phần mềm.

 

Từ các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đề án Sổ tay đảng viên điện tử; thành lập Ban Chỉ đạo Đề án, xây dựng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử hướng đến mục tiêu chuyển đổi số nội dung công tác tuyên truyền, triển khai, học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận... của Đảng; đổi mới phương thức tổ chức học tập lý luận chính trị của cấp ủy và sinh hoạt Đảng trong các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh phù hợp với sự phát triển của công nghệ số hiện nay.

Trên tinh thần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, khắc phục khó khăn, tháng 5/2023, Ban Chỉ đạo Đề án đã đưa vào vận hành thử nghiệm, rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng cho các tổ chức Đảng trong toàn tỉnh và tiến hành khởi động vận hành phần mềm.

Riêng lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện và đảng viên của chi bộ công an trực thuộc Đảng ủy các xã, phường, thị trấn không triển khai sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử để đảm bảo bí mật về lực lượng vũ trang.

 

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 03/ĐA-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về Sổ tay đảng viên điện tử cho biết: Mục tiêu của phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy các cấp, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng của các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh thông qua việc quản lý, điều hành các chuyên mục; tiết kiệm thời gian cho cán bộ, đảng viên trong tham gia học tập nghị quyết và sinh hoạt Đảng, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chủ động từ các nguồn thông tin của Trung ương, của tỉnh và cấp ủy các cấp.

Việc khởi động phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử là bước khởi đầu cho quá trình vận hành, sử dụng một công cụ phần mềm mới. Ban Chỉ đạo Đề án số 03 rất mong các cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quy định về trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý, vận hành phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để phối hợp cùng với Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 03 vận hành hiệu quả, góp phần quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của Đảng bộ tỉnh.

Sau thời gian đưa vào vận hành thử nghiệm, rút kinh nghiệm, ngày 18/8/2023, Ban Chỉ đạo Đề án số 03/ĐA-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về Sổ tay đảng viên điện tử tổ chức lễ khởi động phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử (trong ảnh: quang cảnh lễ khởi động).

 

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số 03/ĐA-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về Sổ tay đảng viên điện tử chỉ đạo: việc khởi động phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử chỉ là thành công bước đầu. Do vậy, để duy trì và phát triển ổn định lâu dài phần mềm, đề nghị các ngành, các cấp, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục bám sát Đề án, Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, Quy định về trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý, vận hành phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử để tiếp tục điều chỉnh phần mềm sao cho đảm bảo tính bảo mật dữ liệu, tính mở rộng, cập nhật các tính năng mới theo mục tiêu quản lý của từng giai đoạn phát triển của công nghệ và yêu cầu của đảng viên; tổng hợp, phân tích, xử lý các dữ liệu, lưu trữ đầy đủ dữ liệu tại máy chủ và truy xuất dữ liệu nhanh, thống kê, báo cáo các dữ liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham dự lễ khởi động phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử.

 

Đối với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đảng viên trong đảng bộ và tổ chức triển khai sử dụng phần mềm theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án. Triển khai tổ chức thực hiện tốt Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý, vận hành phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các chi bộ đảng.

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các phần mềm chuyên ngành đã được triển khai, tiến hành chuẩn hóa, cập nhật chính xác đầy đủ dữ liệu; cải tiến quy trình làm việc, đẩy mạnh việc thực hiện sử dụng hồ sơ điện tử nhằm góp phần tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 72 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tập trung phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp về chức năng, vai trò và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Chủ động triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số sao cho phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số 03 phát biểu tại lễ khởi động.

 

Đối với cán bộ, đảng viên theo phân cấp quản trị phải cập nhật thông tin kịp thời, nhanh chóng, liên tục việc phát sinh dữ liệu trong quá trình hoạt động của các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tiếp thu, ghi nhận các phản ánh của người dùng để tổng hợp báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhằm khắc phục các hạn chế; bổ sung các tính năng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đối với cán bộ, đảng viên là người sử dụng, cần khắc phục các khó khăn ban đầu trong tiếp cận, tích cực truy cập, sử dụng phần mềm, tham gia góp ý, đề xuất.

Với những tiện ích mà phần mềm mang lại, tin tưởng rằng đây sẽ là sự đột phá trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: KIM LOAN

   

 

Công tác tập huấn và nhập thông tin dữ liệu đảng viên

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 02 tổ chức Đảng để vận hành thí điểm phần mềm (Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Đảng ủy xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành), Ban Chỉ đạo Đề án số 03 tổ chức 05 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm cho 569 đảng viên thuộc 02 đảng ủy nêu trên.

Sau khi tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh phần mềm, tháng 5 và tháng 6/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tổ chức mở 18 lớp tập huấn cho 3.240 đảng viên hướng dẫn sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. Tính đến tháng 6/2023, Ban Chỉ đạo Đề án đã triển khai tập huấn cho Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy được 23 lớp với 3.809 đảng viên tham gia.

Để triển khai các công việc sau tập huấn phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, tháng 6/2023, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 03 phát hành công văn đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở tiến hành nhập thông tin dữ liệu đảng viên vào phần mềm và cài đặt phần mềm trên App điện thoại.

Tính đến ngày 17/8/2023 đã có 36.240/40.204 hồ sơ đảng viên được cập nhật lên phần mềm, trong đó Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nhập 5.943/6.051 hồ sơ đảng viên; các huyện, thị xã, thành phố nhập 30.297 hồ sơ/34.884 hồ sơ đảng viên (toàn tỉnh có 755 chi bộ ấp/khóm với 22.292 đảng viên, trong đó có 6.091 đảng viên đi làm ăn xa, miễn sinh hoạt Đảng; 5.555 đảng viên không thể sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử do thiếu thiết bị, khả năng sử dụng điện thoại thông minh).

Riêng lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện và đảng viên của chi bộ công an trực thuộc Đảng ủy các xã, phường, thị trấn không triển khai sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử do để đảm bảo bí mật về lực lượng vũ trang.

 

 

Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được xây dựng dựa trên 04 nguyên tắc

(1) Có cấu trúc tập trung, phân cấp, được thiết lập từ Đảng bộ Tỉnh ủy đến các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh, phù hợp với mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức Đảng, bảo đảm việc quản lý, trao đổi, khai thác, lưu trữ thông tin trong hệ thống cơ quan, tổ chức Đảng thông qua hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, phần mềm cài đặt trên máy chủ tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành máy chủ đảm bảo an toàn thông tin.

(2) Được thiết kế để các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Huyện ủy và tương đương, các tổ chức Đảng gửi nội dung các văn bản chỉ đạo điều hành, nội dung tuyên truyền, tài liệu học tập nghị quyết, tài liệu sinh hoạt Đảng theo phân cấp, chức vụ của đảng viên.

(3) Giúp Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy; cấp ủy các huyện, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy cấp huyện nắm bắt được tình hình triển khai văn bản, nội dung học tập nghị quyết, nội dung tổ chức sinh hoạt Đảng và việc tham gia học nghị quyết, sinh hoạt Đảng của đảng viên ở các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh.

(4) Giúp đảng viên của Đảng bộ tỉnh xem được các văn bản triển khai, tài liệu học tập nghị quyết, tài liêu sinh hoạt Đảng theo phân cấp, thông qua môi trường Web, App Sổ tay đảng viên điện tử Trà Vinh.

Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được xây dựng chạy trên môi trường Web và App trên Smartphone, gồm các chức năng chính: quản lý hồ sơ tóm tắt đảng viên; cơ sở dữ liệu văn bản; học tập nghị quyết của Đảng; sinh hoạt Đảng; báo cáo - thống kê; đóng góp, phản ánh ý kiến; quản trị hệ thống.

Phần mềm bao gồm 101 chức năng chi tiết (37 chức năng dữ liệu đầu vào, 22 chức năng nguồn dữ liệu đầu ra và 42 chức năng yêu cầu truy vấn).

Máy chủ cơ sở dữ liệu (Database) và vận hành theo tên miền tại địa chỉ: https://sotaydangvien.travinh.gov.vn

Phần mềm được xây dựng với 06 tính năng cơ bản

(1) Là 01 quyển sổ tay có thể ghi chép các nội dung ý kiến của mình và lưu lại để sau này tham khảo (thay cho quyển sổ giấy).

(2) Là 01 quyển tài liệu chứa nhiều nội dung thông tin liên quan đến công tác Đảng, cán bộ, đảng viên có thể xem bất cứ lúc nào, kể cả những tài liệu của nhiều năm trước đó.

(3) Là 01 công cụ giao tiếp, tương tác trực tiếp mọi lúc mọi nơi với tất cả đảng viên trong chi bộ, không giới hạn không gian và thời gian, có thể dự họp lệ chi bộ khi đi công tác xa, có thể phản ánh ý kiến của mình cho chi ủy xem xét giải quyết hay tiếp thu vấn đề.

(4) Là 01 công cụ quản lý, kiểm soát đảng viên, xem đảng viên có tham gia họp chi bộ khi chi bộ tổ chức họp trực tuyến hay không, hay có thể kiểm soát đảng viên có xem, có nghiên cứu các tài liệu, nghị quyết của Đảng mà chi ủy hay đảng ủy cấp trên triển khai, có thể biết được thái độ tích cực hay không tích cực của đảng viên trong sinh hoạt Đảng.

(5) Là 01 công cụ hữu hiệu trong xử lý tình huống cấp bách do thiên tai, dịch bệnh phải họp chi bộ trực tuyến hoặc đảng viên đi công tác xa có thể tham gia họp chi bộ được.

(6) Là 01 công cụ tiết giảm chi phí thời gian và ngân sách, đây là công cụ tương tác trực tuyến chứa nhiều tài liệu liên quan, cán bộ, đảng viên có thể xem, nghiên cứu bất kỳ lúc nào, nơi nào bằng thiết bị điện thoại thông minh, không cần phải in văn bản giấy.

Tag:

File đính kèm