Nhận diện
Biển Đông ngày càng được định vị quan trọng hơn trong các chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới, là tâm điểm tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn. Hơn hai thập kỷ trôi qua, vùng biển này luôn là “chảo lửa” trên bàn cờ chính trị của khu vực. Do đó, các thế lực phản động đã triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội để “tung ra” những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, chống phá vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Trước hết, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã lập nên các tờ báo, đài phát thanh phản động ở nước ngoài như BBC, Đài châu Á tự do (RFA)..; các trang mạng xã hội, như: facebook, youtube, twitter… để phát tán tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc tình hình, diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch là lợi dụng những “điểm nóng” trên Biển Đông để bóp méo, bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điển hình là các sự kiện tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp năm 2011 và 2012; dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông năm 2014; Mỹ và các nước đồng minh ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông...
Sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam (từ ngày 04/7/2019 đến 24/10/2019) đã được một số đối tượng triệt để lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây chia rẽ, bất ổn trong nước. Các đối tượng thù địch đã viết bài đưa ra các luận điệu xuyên tạc, như: “Chính phủ Việt Nam nhu nhược, hèn nhát”, “Chính phủ Việt Nam bán Biển Đông”, “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”, “không có giải pháp mạnh với Trung Quốc”. “Chính phủ Việt Nam bịt miệng báo chí”, “Nhà nước Việt Nam đã đồng ý giao bãi Tư Chính cho Trung Quốc”… để kêu gọi lật đổ chế độ.
Các thế lực thù địch còn tán phát nhiều tài liệu, bài viết có nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ; chính sách quốc phòng của Việt Nam và khả năng chiến đấu của quân đội, gây tâm lý bất an, hoài nghi của một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin; đòi “hợp tác với một nước khác để giải quyết tình hình”. Từ đó, đánh vào tâm lý người dân, cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” để chủ quyền biển, đảo bị xâm lấn,… Từ đó, hướng lái tư tưởng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Lợi dụng các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch rêu rao rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược” trong đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; Hải quân Việt Nam “hèn yếu”, “nhu nhược”... Mục đích của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội khi lợi dụng internet và mạng xã hội để đưa các thông tin tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về tình hình Biển Đông là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Do đó, các thế lực thù địch đã lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông để kích động một bộ phận Nhân dân biểu tình, tuần hành gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mưu đồ sâu xa của các thế lực là thông qua vấn đề biển, đảo để chống phá chế độ, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện “diễn biến hòa bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan, làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng đối đầu, bị cô lập.
Có thể nhận thấy, những căng thẳng trên Biển Đông đã trở thành “miếng mồi béo bở” để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chia rẽ mối quan hệ mật thiết của Đảng với Nhân dân; hạ vệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đó là những âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi nên cần phải có những cách thức để đấu tranh phản bác có hiệu quả.
Quan điểm và giải pháp
Bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó, có chủ quyền quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn bao giờ hết. Quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp trên Biển Đông. Đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển”.
Những quan điểm trên chính là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của việc đấu tranh này là làm cho Nhân dân Việt Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền là nhất quán và đều vì lợi ích của dân tộc và Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên khu vực Biển Đông. Qua đó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Để đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cần làm tốt những biện pháp có bản như sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân những quy định pháp lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hình thức tuyên truyền phải phong phú, linh hoạt. Ngoài việc tuyên truyền trên sách báo, các phương tiện thông tin truyền thống; cần đẩy mạnh tuyên truyền trên internet và mạng xã hội để Nhân dân dễ dàng tiếp cận những thông tin chính thống, có nội dung tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Điều đó cũng giúp cho Nhân dân tăng cường “sức đề kháng” trước những thông tin có nội dung xấu độc, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Thứ hai, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Báo chí và truyền thông nói chung và báo mạng, truyền thông mạng nói riêng cần phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc đưa tin, bài kịp thời, phát đi thông điệp chính thức của Việt Nam và truyền tải tinh thần yêu nước của Nhân dân Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam. Cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng và mạng xã hội, như: Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018.
Thứ tư, cần tiếp tục minh bạch hóa chính sách; chính xác hóa và cụ thể hóa thông tin về tình hình biển, đảo của Việt Nam. Internet là kênh thông tin phổ biến hiện nay, do đó, chúng ta cần tích cực đăng tải các bài viết thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề trên biển. Tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại và an ninh - quốc phòng của Việt Nam đến người dân trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế. Kịp thời cập nhật thông tin, đưa tin chính xác và cụ thể về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông để định hướng dư luận.
Thứ năm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tăng cường rà quét, bóc gỡ, ngăn chặn những thông tin xấu độc về tình hình Biển Đông nói chung và vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng. Tăng cường xử lý các đối tượng đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo. Thiết lập các trang mạng, tài khoản chính thống để huy động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội để tạo thành thế trận liên hoàn, sức mạnh tổng lực.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là tổng thể các hoạt động có tổ chức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, do lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước nhằm thực thi, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia được luật pháp quốc tế công nhận, được quy định trong luật pháp Việt Nam.
LÊ HOÀNG ANH