Đồng chí Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT-DL Trà Vinh trao giải cho các thí sinh đoạt giải cao tại hội thi. Ảnh: BÁ THI
Trầm Hửu Lộc, chuyên viên Văn phòng Sở, đảm nhận bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh (bài viết đoạt giải Nhất)
Hội thi viết cảm nhận sách về tác phẩm của Tổng Bí thư do Đảng ủy Sở VH-TT-DL Trà Vinh tổ chức được xem là cơ hội quý giá để từng đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành nói chung và bản thân tôi được học tập và nghiên cứu tác phẩm một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Đồng thời với tư cách là một đảng viên trẻ, tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi vừa được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, bản thân tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là quyển sách “gối đầu giường” mà mình cần phải tự trang bị cho bản thân; đọc để tự soi rọi lại mình, đọc để tu dưỡng bản thân, đọc để có thêm niềm tin, sức mạnh cùng chung sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước hết, tôi vô cùng tâm đắc và nhận thức sâu sắc rằng, để có thể đóng góp một phần nhỏ vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đầu tiên, tự bản thân phải có tinh thần cảnh giác cao độ đối với những “mầm mống” tham nhũng ngay từ khi mới nhen nhóm bắt đầu. Đó là những hành vi rất khó nhận thấy mà bản thân chúng ta vẫn hay thường dễ dãi bỏ qua cho bản thân, hay cụ thể hơn chính là những hành vi “tham nhũng vặt”. Theo đồng chí Tổng Bí thư, tình trạng “tham nhũng vặt” được “biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền”. Hiện nay, không ít một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân vẫn còn tư tưởng tặng quà “dùng lấy thảo” với lý do “không đáng là bao” khi đến nộp hồ sơ thủ tục hành chính; hay mời đến quán xá, quán cà phê để trao đổi khi được yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ còn thiếu hoặc với mục đích để “đơn giản hóa” đi những quy trình thẩm định. Chính tư tưởng đó đã vô tình làm cho không ít cán bộ bị tha hóa, biến chất theo thời gian; dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Với vị trí công tác chuyên môn tại bộ phận “một cửa”, phải thường xuyên trao đổi, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Có thể nói đây là môi trường với nhiều cám dỗ có thể dẫn đến hành vi “tham nhũng vặt”. Do đó, hơn ai hết, tôi nhận thức được rằng bản thân phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác với chính thái độ dễ dãi của bản thân; phải biết giữ giới hạn trước những hành vi tham nhũng nhỏ nhặt, có thể gây thiệt hại trước mắt không lớn nhưng lại gặm nhấm dần ý chí, đạo đức cách mạng của người đảng viên. Do đó, theo đồng chí Tổng Bí thư, tuyệt đối “Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa”.
Trương Thị Dung, thanh tra viên (bài viết đoạt giải Nhì)
Điều thực sự gây ấn tượng đối với cá nhân tôi cũng như các đọc giả khác là nội dung cuốn sách không chỉ thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mà còn tập hợp những bài viết thể hiện rất rõ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư về các vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và phát triển đất nước. Ở bài viết “Của công, của riêng” trong cuốn sách thể hiện quan điểm của Tổng Bí thư đối với tài sản của nhà nước và ý thức giữ gìn, tiết kiệm.
Ngay từ đầu bài viết đã nêu “mọi người trong xã hội đều có trách nhiệm và nghĩa vụ quý trọng, bảo vệ của công, sử dụng của công vào việc công với tinh thần hết sức tiết kiệm, đấu tranh chống mọi hành động tham ô, lãng phí, làm thiệt hại đến của công”. Trăn trở về thái độ đối với tài sản công, Tổng Bí thư đặt câu hỏi: “Nếu không nêu cao ý thức giữ gìn, tiết kiệm của công, thử hỏi chúng ta làm sao xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?”. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra hiện tượng thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tài sản công “một số cơ quan và cán bộ phụ trách cấp trên quan liêu, không đi sâu, đi sát thực tế, chỉ nặng về nghe báo cáo, không nắm chắt tình hình, thiếu kiểm tra đôn đốc, không kịp thời đề ra những chủ trương và biện pháp thích hợp để buộc mọi nguời phải làm theo đúng pháp luật của nhà nước, ngăn chặn những hành vi trộm cắp, lãng phí, lợi dụng của công” không nghiêm minh trong xử lý, “tạo kẽ hở cho các sai lầm nảy nở và lây lan nhanh chóng”. Cuối bài viết Tổng Bí thư luôn trăn trở và đặt ra câu hỏi về thái độ đối với tài sản công cho mỗi cán bộ, đảng viên “là những người phấn đấu theo đạo đức cách mạng, mỗi chúng ta nghĩ gì và làm gì để góp phần khắc phục những hiện tượng sai sót kể trên?”. Qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn thì câu hỏi này vẫn luôn mang tính thời sự và ngay cả trong thời điểm hiện nay khi hiện tượng tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ngăn chặn một cách triệt để.
Bản thân là một công chức ngành VH-TT-DL, vị trí công tác đảm nhiệm là một thanh tra viên, tôi sẽ ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không ngừng nâng cao phẩm chất trong công tác thanh tra. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”; “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Thực hiện lời dạy đó, đòi hỏi người làm công tác thanh tra như tôi và những người đồng nghiệp của tôi cần phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, của dân và đáp lại niềm hy vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “ngành Thanh tra sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới không chỉ nhận các huân chương cao quý của nhà nước mà còn là huân chương trong lòng dân”.
Ngô Văn Đồng, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Văn hóa tỉnh (bài viết đoạt giải Ba)
Tôi vô cùng tâm đắc và nhận thức sâu sắc rằng, đây là một quyển sách mà mỗi đảng viên cần phải đọc để tự soi rọi lại mình, để tu dưỡng bản thân; đọc để có thêm niềm tin, sức mạnh và cùng chung sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Qua quyển sách, chúng ta hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, quan điểm và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, nhà nước ta, khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Đồng thời, quyển sách cũng khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả trong và ngoài nước với những thành tựu đạt được và ý nghĩa to lớn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng những năm qua và những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Qua đó, tôi nhận ra chân lý ngay trong lời đúc kết ngắn gọn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ quyển sách: “Xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước Nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Những thông tin, kiến thức hữu ích được đúc rút trong nội dung cuốn sách mỗi người dân nhất là cán bộ, đảng viên khi đọc và nghiên cứu “cẩm nang” phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư sẽ hiểu rõ hơn, nhận diện đúng về thứ “giặc nội xâm”. Từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm, động lực và niềm tin giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, cùng Nhân dân xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
BÁ THI (lược ghi)