Sign In

(Kỳ 1) GIẢI PHÓNG TRÀ VINH - 30/4/1975

14:31 27/03/2023
Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) Tiến tới đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Báo Trà Vinh trân trọng giới thiệu loạt bài tư liệu về Giải phóng Trà Vinh- 30/4/1975 của tác giả Trần Điền.

 

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà (tháng 4/1975), tỉnh Trà Vinh có 82 liệt sĩ hy sinh đúng vào ngày quân dân ta giành toàn thắng (30/4/1975).

Trong số 82 liệt sĩ tỉnh Trà Vinh hy sinh trong ngày 30/4/1975, có 43 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường tỉnh Trà Vinh. 

Trong số 43 liệt sĩ hy sinh ngày 30/4/1975 trên chiến trường tỉnh Trà Vinh, có 26 liệt sĩ hy sinh tại mặt trận thị xã Trà Vinh.

Trong số 26 liệt sĩ hy sinh tại mặt trận thị xã Trà Vinh vào giờ phút lịch sử cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ông Nguyễn Minh Thiện (tên thường dùng Chín Hải), Tham mưu trưởng, Tỉnh Đội phó Tỉnh Đội Trà Vinh.

 

Ông Nguyễn Minh Thiện, còn có tên khác Trần Văn Hải (Chín Hải), sinh năm 1932 tại xã Thanh Mỹ, huyện Đơn Dương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. cha, mẹ ông Nguyễn Minh Thiện từ tỉnh Thừa Thiên - Huế di cư vào Lâm Đồng lập nghiệp.

Thời niên thiếu, Nguyễn Minh Thiện là người thông minh, học giỏi. Năm 16 tuổi, ông học xong bậc trung học lúc này có bốn lớp gồm đệ nhất niên (tương đương lớp 6 ngày nay), đệ nhị niên (lớp 7), đệ tam niên (lớp 8) và đệ tứ niên (lớp 9), được cấp Bằng Thành chung. Sau đó, Nguyễn Minh Thiện tiếp tục học thêm để nhận Bằng Diploma (Bằng cấp nghề).

Được học hành tử tế, có đầy đủ bằng cấp, Nguyễn Minh Thiện rộng đường vào làm công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Pháp lúc bấy giờ ở thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, chàng trai 17 tuổi Nguyễn Minh Thiện cùng nhóm bạn sớm giác ngộ cách mạng, rời thành phố hoa cao nguyên lâm viên đi về Nam Bộ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tại xã Trà Ngoa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Kết thúc Chiến dịch Cầu Kè cuối năm 1949(1), ngày 15/3/1950, Nguyễn Minh Thiện đăng ký gia nhập Tiểu đoàn 308, bộ đội chủ lực Quân khu 8, được Chi bộ Đảng xã Trà Ngoa kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trước lúc tiễn đưa.

Sau Chiến thắng Điện biên Phủ (07/5/1954), Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sỹ) về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, được ký kết ngày 20/7/1954. Theo Hiệp định Giơnevơ, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc bởi vỉ tuyến 17. Đơn vị Nguyễn Minh Thiện tập kết ra miền Bắc, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam vào ngày 20/7/1956. Sau khi tập kết ra Bắc, đơn vị Nguyễn Minh Thiện được biên chế vào Sư đoàn chủ lực 312 và ông được đơn vị đưa đi học Trường Sĩ quan lục quân.

Ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, sử dụng con bài Ngô Đình Diệm, do Mỹ đưa từ nước ngoài về, dựng lên chế độ Việt Nam cộng hòa (còn gọi là ngụy quyền Sài Gòn), thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ còn ở lại (cán bộ nằm vùng), các lực lượng chống đối, trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tuyên bố không tổ chức tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mục đích của Mỹ nhằm biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự ngăn chặn sự tiến công của các lực lượng cách mạng xã hội chủ nghĩa đang phát triển trong khu vực mà Mỹ cho rằng các lực lượng đó đang đe dọa đến các quyền lợi của Mỹ. 

Đối với các nhà lãnh đạo của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thì đây là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống cộng sản. Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Dwight D.Eisenhower muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á. Mỹ coi miền Nam Việt Nam là địa bàn quan trọng trong chiến lược chống chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á nên bắt đầu các hoạt động can thiệp tại Việt Nam.            

Sau cuộc đồng khởi 14/9/1960 của quân, dân miền Nam, năm 1961, Nguyễn Minh Thiện được đơn vị cử về miền Nam, được Quân khu 9 (miền Tây Nam Bộ) phân công làm cán bộ tác huấn tại Tỉnh đội Trà Vinh. Sau 04 tháng được Tỉnh đội Trà Vinh đưa về giữ chức Huyện đội trưởng huyện Cầu Ngang, Nguyễn Minh Thiện được điều động trở lại Tỉnh đội, được phân công giữ chức Trưởng Ban tác huấn Tỉnh đội Trà Vinh.

Năm 1965, ông Nguyễn Minh Thiện được đề bạc giữ chức Phó Tham mưu trưởng, năm 1973 được đề bạc giữ chức Tham mưu trưởng Tỉnh đội Trà Vinh. Đầu năm 1975, ông Nguyễn Minh Thiện được đề bạc giữ chức Tỉnh đội phó, kiêm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Trà Vinh. Ông hy sinh vào ngày 30/4/1975, tại mặt trận thị xã Trà Vinh.

Nhân kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), tiến tới đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), mời bạn cùng tôi, “người trong cuộc”, nhìn lại một cách toàn diện hơn về chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Trà Vinh tại mặt trận thị xã Trà Vinh nữa thế kỷ trước - ngày 30/4/1975(2).

Sau gần 05 năm hội đàm Paris, từ phiên họp đầu tiên ngày 13/5/1968, cuối cùng, chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 18 - 29/12/1972), dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt miền Bắc vẫn không thực hiện được mưu đồ xấc xược của Chính phủ Hoa kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon lúc bấy giờ rằng: “Cho miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, trước ý chí sắt đá của Nhân dân Việt Nam vì một lập trường bất di bất dịch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chỉ ra rằng: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một”, buộc Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam cộng hòa phải đặt bút ký kết Hiệp định Paris (Pháp) ngày 27/01/1973. Theo Hiệp định Paris, quân đội Mỹ và quân đội các nước chư hầu của Mỹ rút vô điều kiện hơn nữa triệu quân và cố vấn quân sự, chính trị, kinh tế khỏi miền Nam Việt Nam(3). Viện trợ của Mỹ cho chính quyền, quân đội Việt Nam cộng hòa bị cắt hoàn toàn.

Sau khi Mỹ rút quân, tâm lý bị Mỹ “bỏ rơi” lan tràn trong quân lực Việt Nam cộng hòa và bộ máy chính quyền Sài Gòn, biểu hiện rõ sự sa sút về lý tưởng, ý chí và thực lực, mặc dù chính quyền Việt Nam Cộng hòa hết sức nỗ lực “giãy giụa”, tiếp tục thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” theo học thuyết Nixon trong điều kiện có Hiệp định Paris, nhưng cũng không còn đủ sức ngăn chặn phong trào tiến công và nổi dậy như bảo táp của quân, dân miền Nam với khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam xum hợp một nhà. Bước sang đợt II, Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, cục diện chiến trường toàn miền Nam diễn biến có lợi cho quân dân miền Nam.

Trong xu thế chung đó, cuối năm 1974, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh xin lệnh của Khu ủy và Quân khu ủy khu 9, cho phép Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh mở chiến dịch Tổng công kích tổng khởi nghĩa, giải phóng tỉnh Trà Vinh trước mùa mưa năm Ất Mão 1975.

(Còn tiếp)

TRẦN ĐIỀN

Biên khảo theo sổ tay phóng viên và các nguồn tài liệu trong nước (Tác giả giữ bản quyền)

(1) Xem thêm “70 năm chiến dịch Cầu Kè (12/1949 - 12/2019)”, cùng tác giả - Báo Trà Vinh, ngày 20/01/2020.

(2) Viết theo yêu cầu bạn đọc Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng) - nguyên Biên tập viên Báo Anh Dũng, tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tinh ủy Vĩnh Long.

(3) Có 08 nước chư hầu Mỹ đưa quân đội và vũ khí, cùng quân đội Hoa kỳ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tag:

File đính kèm