Huyện lỵ Tiểu Cần ngày xưa, nay là thị trấn Tiểu Cần, tương lai là một trong những phường của thị xã Tiểu Cần.
Truyền thống đấu tranh anh dũng
Khi nói về trận đánh Ngãi Hòa vào năm 1973, ông Võ Minh Phụng (tên thường gọi 5 Tèo) thời đó là du kích của huyện lỵ Tiểu Cần đã nhớ từng chi tiết của trận thắng này như sau: năm 1973 sau khi Mỹ - ngụy không chấp hành Hiệp định Paris năm 1973, chúng đổ quân vô ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi. Lúc đó lực lượng du kích huyên lỵ Tiểu Cần phối hợp cùng với Tiểu đoàn với Trung đoàn của tỉnh đánh trong vòng không đầy nửa giờ đồng hồ là đã tiêu diệt một tiểu đoàn của địch, chỉ còn mấy tên chạy về Tiểu Cần. Đây là trận thắng oanh liệt làm vang dội cả tỉnh. Trong trận đó lực lượng của ta thu trên 100 súng gồm AR15, đại liên, máy PRC25. Nói chung trận này lực lượng mình đã thu toàn bộ quân khí, quân trang của Tiểu đoàn 43 địch.
Qua các cuộc chiến tranh, đối đầu với địch, nhiều tấm gương anh dũng đã chiến đấu quên mình, mưu trí, sáng tạo làm khiếp đảm kẻ thù, được Nhân dân truyền tụng, như: các đồng chí: Đặng Trung Tiến, Nguyễn Văn Hơn (6 Nhỏ); Ngô Hùng Vĩ (Mười Vĩ); Mạch Long Thơi (Sáu Cò)… và còn rất nhiều những tấm gương anh dũng mà trong một lúc khó có thể kể hết. Toàn huyện có 1.892 liệt sĩ, 1.040 thương, bệnh binh; 295 Mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 04 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và hàng ngàn gia đình có công với cách mạng.
Với những chiến công hiển hách, những hy sinh to lớn, tổng kết qua các cuộc chiến tranh, Tiểu Cần được Nhà nước tuyên dương các Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho các đơn vị gồm: Hùng Hòa - Tân Hùng, Tân Hòa, Tập Ngãi - Ngãi Hùng và thị trấn Tiểu Cần; huyện Tiểu Cần được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Xây dựng và phát triển quê hương
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiểu Cần một lần nữa cùng với tỉnh Trà Vinh và cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Những ngày đầu xây dựng quê hương là khoảng thời gian đầy gian khó và thử thách. Trong phát triển kinh tế, xã hội có rất nhiều thứ bắt đầu từ “con số 0” như: điện, đường, trường, trạm, thêm vào đó đời sống của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu và gặp rất nhiều khó khăn.
Theo dòng lịch sử, tên gọi Tiểu Cần đã qua nhiều lần đổi tên và sáp nhập, đến tháng 9/1981 huyện Tiểu Cần, tỉnh Cửu Long được tái lập. Đến năm 1992 tỉnh Trà Vinh được tái lập, khi đó huyện Tiểu Cần vẫn là một trong những huyện nghèo.
Huyện lỵ Tiểu Cần ngày xưa, nay là thị trấn Tiểu Cần, tương lai là một trong những phường của thị xã Tiểu Cần.
Ông Lý Văn Được, người dân ấp Từ Ô, xã Hùng Hòa năm nay đã gần 80 tuổi nhớ lại: sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xã Hùng Hòa gặp rất nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, kênh rạch không thông thoáng rất khó cho việc sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân vô cùng vất vả. Lúc đó khu vực giáp giữa Hòa Trinh, Te Te, Phụng Sa hộ nghèo rất nhiều.
Thế nhưng, sau ngày tái lập tỉnh cho đến nay bằng sự nỗ lực, phấn đấu tỉnh Trà Vinh nói chung, huyện Tiểu Cần nói riêng đã có những chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể để đưa kinh tế, xã hội địa phương từng bước vươn lên. Trong đó đáng ghi nhận nhất là kể từ năm 2010 đến nay, tức là khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, qua từng năm huyện Tiểu Cần đã có những thay đổi vượt bật, bộ mặt quê hương khởi sắc từng ngày.
Cũng từ năm 2010, huyện Tiểu Cần có xã Phú Cần là đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh; huyện Tiểu Cần cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2018. Đến nay huyện có 09/09 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 06/09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 01 xã đang trình UBND tỉnh công nhận xã NTM nâng cao năm 2022; có 69/69 ấp đạt chuẩn NTM, trong đó có 07 ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện tại huyện Tiểu Cần đang trên đà tăng tốc để sớm đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tiểu Cần luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó huyện tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện và xác định kinh tế nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực đột phá, tạo sức bật cho kinh tế. Đến nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển đi vào chiều sâu theo hướng tăng năng suất, chất lượng và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hiện huyện duy trì và củng cố các mô hình sản xuất hiệu quả như: cánh đồng lớn trên cây lúa; dừa hữu cơ; bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; canh tác lúa theo hướng hữu cơ và mô hình trồng dưa nhà lưới trong nhà màng. Đồng thời, củng cố bộ máy hoạt động của 17 hợp tác xã ở các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và quỹ tín dụng nhân dân, với hơn 3.400 thành viên, vốn điều lệ trên 18,7 tỷ đồng; 149 tổ hợp tác với trên 4.000 thành viên.
Riêng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay huyện có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm tiềm năng đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Riêng sản phẩm Mật hoa dừa cô đặc của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã có mặt trên 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất chính ngạch sang các nước Hà Lan, Nhật Bản. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên lĩnh vực kinh tế, đến cuối năm 2022 nền kinh tế của huyện tiếp tục phục hồi và phát triển theo hướng tích cực, giá trị sản xuất đạt trên 8.800 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 74,5 triệu đồng/năm.
Lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn chỉnh. Đến nay huyện Tiểu Cần đã hoàn thành quy hoạch Khu Công nghiệp Cầu Quan, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư; Cụm Công nghiệp Phú Cần đã hoàn thành hạng mục san lấp mặt bằng, triển khai thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đạt 95%, tạo tiền đề cho kinh tế của huyện phát triển theo hướng phát triển công nghiệp và đô thị.
Đáng chú ý, huyện Tiểu Cần có thị trấn Cầu Quan đạt tiêu chí đô thị loại V, thị trấn Tiểu Cần đã đạt tiêu chí đô thị loại IV và huyện đã đạt 03/05 tiêu chí với 48/63 tiêu chuẩn đô thị loại IV; huyện đang thực hiện đồ án quy hoạch chung để làm cơ sở triển khai các chương trình phát triển đô thị, các quy hoạch phân khu, đề án thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã.
Nhìn chung, đến nay hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện phát triển nhanh, hiện huyện có Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60 đi qua đã được nâng cấp mở rộng, cùng với hệ thống đường giao thông được nhựa hóa thẳng tắp với 07 tuyến đường huyện dài hơn 37km; 22 tuyến đường liên xã, 54 tuyến đường liên ấp, 283 tuyến đường ngõ - xóm, với tổng chiều dài gần 600km và 46 tuyến đường trục chính nội đồng gần 114km; trong đó, có gần 110km đường liên xã, liên ấp có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 233 hộ nghèo, chiếm 0,79%; 1.067 hộ cận nghèo, chiếm 3,62% so dân số chung toàn huyện. Bên cạnh đó huyện còn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo.
Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần phấn khởi nói: từ khi huyện Tiểu Cần thực hiện XDNTM địa phương phát triển về mọi mặt; kinh tế ổn định và phát triển; đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; giao thông, điện thắp sáng, nước sạch, cảnh quan môi trường…được quan tâm đầu tư xây dựng; số hộ khá, giàu tăng rõ rệt.
Hướng tới mục tiêu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh
Phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần “thừa thắng xông lên”, từ khi được công nhận huyện NTM, huyện Tiểu Cần tiếp tục tập trung chỉ đạo hướng tới mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết số 07/NQ-TU, ngày 27/12/2021 Tỉnh ủy Trà Vinh về xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2024, huyện Tiểu Cần đạt chuẩn NTM nâng cao; đến năm 2025, huyện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/người/năm, huyện đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Về định hướng thu hút đầu tư, huyện Tiểu Cần ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cụ thể, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Cầu Quan, Cụm Công nghiệp Phú Cần, phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà huyện có tiềm năng, lợi thế, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, huyện tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng và đầu tư phát triển các hình thức kinh doanh hiện đại như nhà máy, xí nghiệp sản xuất chế biến, siêu thị, Trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... Phấn đấu đến năm 2025 hình thành một số điểm du lịch đồng quê - sông nước - văn hóa Khmer; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với liên kết du lịch trong tỉnh và khu vực theo Đề án du lịch đã được phê duyệt.
Có thể nói qua 48 năm đất nước được giải phóng, những vết thương chiến tranh cơ bản đã được xóa mờ, tuy nhiên những tên đất, tên người gắn liền với các sự kiện lịch sử trên vùng đất này vẫn còn được nhớ mãi.
Vùng đất Te Te, Ngãi Hòa, Giồng Tranh một thời nghèo khó vì bị chiến tranh tàn phá nay đã thay da đổi thịt, kinh tế, xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên; tuyến “Lộ Lở” ngày xưa không còn sạt lở nữa, bởi hiện nay khu vực này đã được đầu tư xây dựng tuyến bờ kè vững chắc. Tương lai không xa, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ trở thành những phường, xã của một thị xã Tiểu Cần đầy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Trà Vinh.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ, KIỀU DIỄM, CHÍ HẸN