Nông dân xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè dùng máy bơm nước tưới cam sành.
Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 (diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 06/5), nhằm góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, sự tham gia của người dân sử dụng nước an toàn, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng cuộc sống...
Trà Vinh là tỉnh có 65km bờ biển, thường xuyên bị mặn xâm nhập; chịu ảnh hưởng trực tiếp sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, những năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh chủ động, tích cực hưởng ứng hiệu quả; đến cuối năm 2022, người dân đô thị được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,2% (đạt 100% so với nghị quyết năm); người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8% (đạt 100% nghị quyết năm), trong đó, sử dụng nước sạch 77,19% (vượt 2,66% so với nghị quyết)…
Song song đó, nhờ tập trung, quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, nên đáp ứng nhu cầu ngăn mặn, xổ phèn và nguồn nước tưới khoảng 90%/diện tích đất nông nghiệp. Năm 2022, toàn tỉnh hoàn thành 499 công trình thủy lợi nội đồng, đạt 100% kế hoạch năm.
|
|
Ngày 12/4/2023, đồng chí Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành Kế hoạch số 294/KH-SNN về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, chủ đề: “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người”; diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 06/5.
Tuần lễ diễn ra nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả các tài nguyên đất đai, nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong cải thiện vệ sinh môi trường, nhất là khu vực nông thôn; tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân về quản lý và sử dụng nước của hệ thống cấp nước tập trung đã được đầu tư xây dựng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân sinh hoạt đảm bảo sức khỏe và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, chủ động thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó có giải pháp ứng phó, thích ứng, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài.
Với chủ đề: “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người”, nhằm gởi thông điệp đến các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường, xem việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước và môi trường là tiêu chí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những tiêu chí XDNTM, NTM nâng cao.
Được biết, từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 06/5) nhằm góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.
|
|
Đặc biệt, về nước sinh hoạt, tỉnh đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất nước sạch Láng Thé (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), công suất 10.000m3/ngày đêm; Nhà máy sản xuất nước sạch Nguyệt Hóa (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), công suất 10.000m3/ngày đêm (đầu tư theo hình thức PPP, 100% vốn nhà đầu tư) đảm bảo nhu cầu cấp nước, tính liên tục trong thời gian diễn ra mặn; giảm và tiến tới hạn chế thấp nhất khai thác nước ngầm.
Xác định tài nguyên nước, tầm quan trọng của nước, những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, các chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh triển khai đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% xã đạt tiêu chuẩn NTM, theo đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch cũng đạt theo các tiêu chí.
Tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, nơi có đông đồng bào Khmer và phần lớn diện tích đất giồng cát. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lư Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: bằng sự nỗ lực của địa phương và người dân, cuối năm 2022, toàn xã có 3.178/3.178 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; có 1.667/3.178 hộ sử dụng nước sạch, đạt 52,45% so với số hộ chung.
Đặc biệt, toàn xã có 25/25 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi thủy sản, đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; có 14 cơ sở nuôi tôm đều nằm trong quy hoạch phát triển nuôi thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không sử dụng thuốc thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điểm nổi bật về sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục - đào tạo, phấn đấu để có nguồn nước sạch phục vụ cho học sinh ở các trường học, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng ven biển… Thông qua các phương thức huy động, hiện tất cả các trường học của các cấp học trong tỉnh đều có nguồn nước sạch để học sinh sử dụng.
Điển hình như thị xã Duyên Hải, là địa phương giáp biển, thị xã đã huy động nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ nguồn nước sạch cho học sinh. Riêng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay có 100% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; số hộ dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 9.010 hộ, đạt 84,3%.
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện Trung tâm quản lý vận hành khai thác 113 trạm cấp nước trên địa bàn 09 huyện, thị xã và thành phố. Năm 2022, Trung tâm được giao chỉ tiêu nâng tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 6.000 hộ sử dụng nước sạch. Kết quả, đã thực hiện 11.317 hộ, đạt 188,61% so với kế hoạch; nâng tổng số hộ sử dụng nước sạch do Trung tâm phân phối đến nay là 166.640 hộ, góp phần cùng với tỉnh thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu người dân sử dụng nước sạch như nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, năm 2022, Trung tâm thực hiện một số dự án quan trọng: hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước tại huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; lắp đặt đồng hồ nước cho 1.102 hộ chưa có nước sử dụng và mở rộng 18,487km ống, kinh phí 3,535 tỷ đồng... Đồng thời, duy trì hoạt động 113 trạm cấp nước; trong đó, trạm cấp nước có công suất từ 20m3/giờ trở lên 91 trạm; công suất từ 10m3/giờ trở lên là 22 trạm. Trên cơ sở đạt được, năm 2023, Trung tâm phấn đấu thêm 6.000 hộ dân có nước sạch đạt chuẩn sử dụng.
Năm 2023 nói riêng, thời gian tới nói chung, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai khó lường, hạn và mặn xâm nhập được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân... tỉnh đề ra mục tiêu phát triển cấp nước nông thôn theo hướng bền vững, tập trung giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng về số lượng và chất lượng, sản xuất nước sạch phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và địa phương quy định.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN