Sign In

Chủ động, kịp thời, hiệu quả trong phòng chống và ứng phó thiên tai

17:11 22/05/2024
Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới cũng như trong nước diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường. Trong đó, bão mạnh, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Đòi hỏi, lực lượng phòng chống thiên tai và toàn xã hội phải chuẩn bị chu đáo để chủ động phòng chống, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, ngày 22/5/1946 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê. Đến nay, công tác phòng, chống thiên tai đã huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ năm 2007, Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 23/11/2007. Việc thực hiện chiến lược này đã huy động được nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

Ngày 02/02/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 145/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 847/QĐ-TTg, ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của quy hoạch.  Chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kế hoạch đưa ra giải pháp là hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai có hiệu quả chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực ứng phó với thiên tai từ quỹ phòng, chống thiên tai để thu hút tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai theo quy hoạch. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai; chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đập, hồ chứa đến hạ du; quan trắc, giám sát công trình đê điều, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nguồn nước, số lượng nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi...góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính...[1].

Tại Việt Nam, tình hình thời tiết, khí hậu xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 21/22 loại hình thiên tai. Đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 10/1/2024, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm thiệt hại về người và tài sản; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật. Sự cố, thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56 km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279 ha lúa, hoa màu… Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng

Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn dự báo hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn. Nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina, do đó hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm. Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Điều đó đồng nghĩa với việc phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền. Cùng với đó, mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá Ủy ban quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia, và các thành viên chủ động triển khai nhiệm vụ chỉ đạo điều hành hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo trong năm 2024, Phó Thủ tướng một lần nữa quán triệt quan điểm tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai do tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục thay đổi bất thường, nắng nóng vào đầu năm, mưa bão vào cuối năm. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tập trung rà soát những vướng mắc về thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để kịp thời sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn [2].

Các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội giữ nguyên tắc phòng hơn chống, muốn vậy phải cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại. Để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở, quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở, phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn.

Đỗ Hồng Thanh

1. Vũ Phương Nhi, Triển khai Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Báo điện tử Chính phủ, 05/02/2024.

2. Hải Minh, Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai, Báo điiện tử Chính phủ, 24/01/2024.  

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm