Sign In

Bảo vệ trẻ em và mọi người trước những nguy hại của thuốc lá

14:47 31/05/2024
 Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động chủ đề bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá. Kể từ Nghị quyết WHA42.19 của Hội đồng Y tế thế giới, ngày 31 tháng 5 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá. Đây là dịp để tăng cường tuân thủ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên và mọi người bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

                                                                                         Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Sử dụng thuốc lá gây tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với đa dạng mẫu mã, mùi vị hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Nicotine trong thuốc lá gây nghiện và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ em trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên [1].

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi đang hút thuốc lá. Trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống tại khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở các quốc gia đều cho thấy, trẻ em từ 13-15 tuổi có tỷ lệ đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá cao, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng, vào năm 2013, cũng chỉ ra rằng 28% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt Nam từ 35 tuổi trở lên có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất kinh tế do mất khả năng lao động, do các bệnh như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, tổng cộng 25 bệnh được liên kết với thuốc lá, được ước tính lên đến hơn 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Sau 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Việt Nam đã được WHO, cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao khi triển khai toàn diện và hiệu quả nhiều chương trình can thiệp. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020. Ở lứa tuổi 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thông tin những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Vì vậy, thuốc lá mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam - một vấn đề đã và đang gây gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết [2].

Tổ chức WHO nhấn mạnh ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên cùng với mọi người bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đồng thời, kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ y tế đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá 31/5.

Từ khi triển khai phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, người dân đã nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá. Cùng với ngành y tế, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định không hút các loại thuốc lá ở nơi công cộng, trong cơ quan, đơn vị, nhà trường. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, giảm số lượng người hút các loại thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Ngày thế giới không thuốc lá 31/5, cho thấy vai trò nâng cao nhận thức của mọi người trên thế giới và người dân Việt Nam về tác hại của khói thuốc được nâng lên. Niềm tin về cuộc sống trong môi trường không khói thuốc lá được khẳng định, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em và mọi người.

Đỗ Hồng Thanh

1. Hoàng Trung, Tăng cường xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thuốc lá, Quân đội Nhân dân - Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, Tiếng nói của Lực lượng Vũ trang và Nhân dân Việt Nam, 23/5/2023.

2. HM, Bảo vệ trẻ em trước những nguy hại của thuốc lá thế hệ mới, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ, 23/5/2024.

Tag:

File đính kèm