Sign In

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu đi đến thành công  của cách mạng Việt Nam

15:25 18/11/2024
Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu mang đến thành công cho cách mạng Việt Nam. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho chiến lược đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi.

\

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Phát huy truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 - ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, điều 11 Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam 2015 quy định: Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Như vậy, bên cạnh Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thì ngày 18 tháng 11 hằng năm cũng chính là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam [1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa, giá trị chính trị quý báu của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, còn nguyên vẹn giá trị cho tới ngày nay và mãi mai sau.

Về đối tượng đại đoàn kết dân tộc, trong bài nói chuyên tại Hội nghị Mặt trận Liên Việt toàn quốc, tháng 1-1969, Người nhấn mạnh rằng đại đoàn kết bắt đầu từ đoàn kết đại đa số Nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động. Cơ sở quan trọng để có thể tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc là những giá trị liên quan đến lợi ích chung của dân tộc. Điều này có thể dễ dàng chia sẻ giữa mọi thành viên, không kể giai cấp, tộc người, tôn giáo, vùng miền, hay nước ngoài. Điều này thể hiện sự nhận thức khoa học và văn hóa sâu sắc trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1986 đến nay, Đảng đã có nhiều chủ trương, quyết sách và biện pháp quan trọng để tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Đánh giá những thành tựu đạt được, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [2].

Phát huy truyền thống cách mạng, với quyết tâm không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khơi dậy khát vọng vươn lên trong cuộc sống, với ý chí quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của mọi người dân. Theo kết quả tổng hợp của các địa phương Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 20.674 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp cho các địa phương trên 63.756 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 2 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.Về lĩnh vực giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức giám sát được 98.420 cuộc (trong đó cấp tỉnh 2.308 cuộc; cấp huyện 12.256 cuộc; cấp xã 83.856 cuộc). Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được hàng nghìn lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội [3].

Tại tỉnh Tuyên Quang, Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, kết quả là: Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền vững mạnh. Nhiệm kỳ qua, đã tổ chức chức trên 920 cuộc giám sát; 610 hội nghị phản biện xã hội, tổ chức trên 300 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng và kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc của cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên và Nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tích cực vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và các dự án trọng điểm của tỉnh; Nhân dân đã tự nguyện hiến 245.950m2 đất, đóng góp trên 87,5 tỷ đồng, tham gia trên 277.600 ngày công lao động, làm trên 3.000 km đường thôn, trên 900 km đường nội đồng..., góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, Tuyên Quang sáng tạo ban hành và triển khai Đề án xoá nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, đã huy động gần 650 tỷ đồng, hỗ trợ 6.000 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) toàn tỉnh giảm xuống còn 14,03%, là tỉnh được Chính phủ đánh giá có tỷ lệ giảm nghèo nhanh và bền vững. Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid -19…

Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và công bằng, là mục tiêu hàng đầu. Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là một truyền thống quý báu mà còn là đường lối chiến lược của Đảng, là yếu tố quyết định mọi thành công, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đỗ Hồng Thanh

1. Pháp luật hành chính; Sự ra đời của Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tổ chức Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18 /11; Pháp luật, 07/11/2024.

2. PGS.TS. Lê Hải Bình, Đại đoàn kết toàn dân tộc-cội nguồn sức mạnh của mọi thành công; Tuyên giáo, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương; 04/10/2023.

3. Nguyễn Quang Hòa,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Tạp chí Mặt trận, cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 21/5/2024.

 

 

 

Tag:

File đính kèm