Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh: toquoc.vn
1. “Nước lấy dân làm gốc”
Trong suốt hơn 1.000 năm đấu tranh chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc đã minh chứng vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân. Nhận thức được điều đó, nhiều triều đại phong kiến đã dựa vào dân, tin dân, thương yêu nhân dân để xây dựng đất nước. Thời kỳ Lý - Trần, Vua Lý Thái Tổ đã thực hiện xá thuế cho dân, không phải để cứu trợ trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai mà thể hiện sự cảm thông với cuộc sống vất vả của họ. Lý Thường Kiệt yêu cầu phải khoan hòa giúp đỡ trăm họ, yêu mến, quan tâm đến sự no ấm của dân, phải nuôi dưỡng người già nơi thôn dã: “Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo… Đem bụng khoan thư cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân…Lấy no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước…”[1]. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn căn dặn “chúng chí thành thành”, “khoan thư sức dân” là thượng sách để giữ nước. Vua Trần Minh Tông động lòng thương xót trước sự nghèo khổ của nhân dân: “Hết thảy sinh dân đều là đồng bào của ta, nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng”[2] . Sau mỗi cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, các triều đại thường hạn chế việc huy động sức dân vào việc phu phen, tạp dịch mà tập trung sức dân để khôi phục kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo cơ sở huy động sức người, sức của khi đất nước lâm nguy. Yêu nước, thương dân, quan tâm đến nguyện vọng, đời sống của nhân dân cũng là mục tiêu chính trị nhằm cứu nước, an dân của Nguyễn Trãi - Người “suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực”[3]. Ông luôn chủ trương phải yêu nuôi nhân dân để cho các làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, không được sưu cao thuế nặng mà phải chăm lo đến cái ăn, cái học của dân.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu dân, an dân giữ nước của cha ông ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi lầm than, áp bức. Trong suốt hơn 90 năm Đảng ra đời đã luôn mang trong mình yếu tố dân tộc, đồng hành cùng Nhân dân, Nhân dân đi theo Đảng, Đảng vì Nhân dân, tạo nên ý Đảng - lòng dân, trường tồn phát triển. Ngày 5/4/1948, trong lúc nhân dân cả nước đang thi đua lập công chống thực dân Pháp xâm lược, Người viết bài “6 điều nên làm và 6 điều không nên làm”, khẳng định “Nước lấy dân làm gốc…Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[4]. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta là một nước dân chủ, cho nên:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong mọi công việc, Đảng, Nhà nước đã xác định “dân là gốc” thì “đừng có làm điều gì trái ý dân”, “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[6]. Dân là chủ, là gốc, thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải phục vụ Nhân dân, học hỏi Nhân dân, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”[7].
Khẳng định Đảng là Đảng lãnh đạo, nhưng lãnh đạo không có nghĩa là “ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống các địa phương kiểm tra công tác”[8], mà “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Bằng cách cắt nghĩa đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đày tớ cho quần chúng… Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng”[9]. Làm “đầy tớ nhân dân” với ý nghĩa cao đẹp nhất là phục vụ Nhân dân, học hỏi Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, làm cho Nhân dân hài lòng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không học hỏi nhân dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”[10]. Một cách tiếp cận khác mang tính nguyên tắc thể hiện chiều sâu và bề rộng của nội hàm “dân là gốc”, cho thấy Đảng và Nhà nước khi đã xác định “lấy dân làm gốc” thì phải hoàn thành trách nhiệm, bổn phận với dân không chỉ là vấn đề lợi ích mà sâu xa hơn là tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, bàn bạc với dân, học hỏi dân, gương mẫu và tự phê bình trước dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ để chữa bệnh quan liêu, xa dân, khinh thường dân, phụng sự nhân dân tốt, có một “đơn thuốc” - nguyên tắc là: “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:
Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
Sẵn sàng học hỏi nhân dân;”
Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”[11].
2. Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong công cuộc đổi mới hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn đem sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân thì cán bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương; từ Đảng, chính quyền cho đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; từ cán bộ lãnh đạo cho đến mọi đảng viên, tất cả phải hết lòng hết sức vì dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân:“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.[12] Người căn dặn, Đảng Cộng sản Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phấn đấu”, và “ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Do đó, “phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”[13].
Tiếp nối tư tưởng lấy dân làm gốc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phấn đấu, “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[14]. Vì thế, phải thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng”, đồng thời lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[15]. Điều đó khẳng định, “dân là gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách và phản ánh quan điểm của Đảng về mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”[16].
*************
Thực tiễn những năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn, “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh, quyết định sự thành bại của công cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả xây dựng đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Tin vào dân, quy tụ được lòng dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc là nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều biến động rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo hiện nay, nhằm xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy hiệu quả của công cuộc đổi mới, việc dựa vào nhân dân, khai thác mọi nguồn lực trong dân, phát huy tiềm năng, sức mạnh toàn dân tộc, là “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác Hồ kính yêu.
Theo Tuyengiao.vn
[1] Quang Đạm (1997): Nho giáo xưa và nay, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.234.
[2]Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tập 2, tr.68.
[3] Dẫn theo Nguyễn Lương Bích: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.31.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 502.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr232.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr 63.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr 83.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5 tr 89.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 367.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 432.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr 177.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64 – 65.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr 281.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.65.
[15]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.96-97.
[16]Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2019, tr.80.