Sign In

Thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

08:15 15/05/2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Quan niệm về đạo đức của người cách mạng

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ “Tư cách của người Kách mệnh”, đó là đạo đức và nhân cách của một người cách mạng, trong đó đạo đức là gốc. Người đặc biệt nhấn mạnh các mối quan hệ và chuẩn mực ứng xử trong mối quan hệ “với mình, với người và với việc”.

Theo nghĩa rộng, đạo đức của người cách mạng là văn hóa làm người mà người cách mạng phải học suốt đời, làm cho văn hóa ấy thấm sâu vào tư tưởng và hành động của mình, trở thành triết lý để tu dưỡng và hành động, sao cho “ở đời thì phải thân dân và làm người thì phải chính tâm” như Người đã dạy và đã nêu một tấm gương sáng.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, đạo đức của người cách mạng là chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng độc lập tự do, làm cho Nhân dân thoát khỏi nỗi nhục mất nước và thân phận nô lệ. Trước kẻ thù hữu hình, tàn bạo, phi nhân tính ấy, người cách mạng đã chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Đất nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời cơ và thách thức nghiệt ngã, đòi hỏi người cán bộ cách mạng phải nhận rõ và ý thức được: thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng “giặc nội xâm” cũng vô cùng khó khăn. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân “giặc ở trong lòng”, là kẻ thù vô hình làm con người biến chất, hư hỏng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Chủ nghĩa cá nhân là “bệnh gốc”, “bệnh mẹ”, nó đẻ ra bao thói hư tật xấu khác. Nếu không thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư” thì chẳng những thoái hóa, biến chất, hư hỏng mà còn mắc vào vòng tội lỗi.

Ngay khi viết tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã trù tính rằng: muốn đưa sự nghiệp cách mạng tới thành công, Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Bằng kinh nghiệm phong phú được tích lũy từ thực tiễn đấu tranh chính trị và những trải nghiệm cá nhân, Người đã nêu bài học tổng kết vô cùng quý giá là việc rèn luyện đạo đức cách mạng, đánh thắng “giặc ở trong lòng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, dốc lòng tận tụy vì dân. Rèn luyện đạo đức, nhân cách của người cách mạng, suốt đời phục vụ Nhân dân là việc phải làm suốt đời. Bài báo cuối cùng của Người vẫn tiếp tục chủ đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người đặc biệt quan tâm đánh bại chủ nghĩa cá nhân để trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành đạo đức cách mạng trong Đảng, để cho Nhân dân noi theo.

Người cách mạng phải làm gì để rèn luyện đạo đức cách mạng?

Để rèn luyện đạo đức của người cách mạng trong điều kiện hiện nay, trước hết cán bộ, công chức Nhà nước các cấp các ngành, các lĩnh vực hoạt động phải xác định rõ dù vị trí, chức trách, nghề nghiệp, trình độ khác nhau đều có chung nghĩa vụ, bổn phận là phục vụ quần chúng Nhân dân. Vì vậy, dù là đảng viên hay đang phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, đem hết sức lực và khả năng của mình, tham gia vào công cuộc đổi mới, phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Thực hành đạo đức cách mạng là cái cốt lõi nhất của đạo làm người. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Người nhấn mạnh bốn đức mà người cách mạng cần ghi nhớ và thực hiện, đó là: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, đồng thời cần thực hiện “nói ít, làm nhiều’, “nói đi đôi với làm”, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”./.

Nguyễn Nhung

TK: Đạo đức Hồ Chí Minh, sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, GS,TS Hoàng Chí Bảo, NXB Hà Nội, 2021

Tag:

File đính kèm