Sign In

Nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

07:33 19/05/2023
Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao lỗi lạc. Ngoài di sản tư tưởng ngoại giao vô cùng sâu sắc, quý giá, khoa học, hiện đại, nhân vân, Người còn là mẫu mực về một phong cách ngoại giao đặc sắc, đẹp đẽ, hấp dẫn, có sức chinh phục, lôi cuốn mạnh mẽ bất cứ ai đã từng đối thoại với Người.

Bác Hồ thân mật trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi Tiệp Khắc và Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có sự kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa giao tiếp của nhân loại, nhưng chủ yếu là sự phản ánh trung thực nhân cách vĩ đại của Người: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là phong cách đặc sắc với các nét cơ bản sau:

Kết hợp thuyết phục bằng lý lẽ với cảm hóa bằng trái tim.

Đấu tranh ngoại giao là một hình thức đặc biệt của đấu tranh chính trị. Muốn thuyết phục đối phương về pháp lý, đạo lý, phải có lý lẽ. Lý lẽ lớn nhất của các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do là những quyền tự nhiên, cơ bản của con người (quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc…) và quyền cơ bản của các dân tộc (chủ quyền, độc lập, thống nhất….). Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được và cũng là những nguyên tắc pháp lý đã được nhiều quốc gia, dân tộc và hoạt động chính trị có uy tín công nhận.

Nhưng không phải cứ nắm được chân lý, lý lẽ thì mọi việc đều trở nên dễ dàng. Để giành lẽ phải về mình còn cần phải giỏi lập luận, khéo biện luận để đấu tranh, thuyết phục đối phương.

Trả lời bà Sốt - xi trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người Pháp đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong bốn năm. Trong bốn năm ấy, các bà đã tiến hành cuộc kháng chiến và đánh du kích. Người Việt Nam chúng tôi cũng đau khổ vì bị chiếm đóng trong hơn 80 năm; chúng tôi cũng đã kháng chiến và đánh du kích”[1].

Ở Hồ Chí Minh, thuyết phục lý lẽ luôn kết hợp với cảm hóa trái tim người đối thoại bằng tấm lòng nhân hậu, cách ứng xử nhạy cảm, tinh tế và rất mực khiêm nhường chứ không phải sức mạnh của quyền uy.

Mềm dẻo nhưng kiên nghị trong xử lý các tình huống nguy hiểm.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể: Lúc nào, Bác cũng ung dung, bình tĩnh, nhìn xa, thấy rộng. Trước ngày quân Tưởng Giới Thạch sang, Bác nói: Bọn ấy sang thì chẳng tử tế gì đâu. Chúng sẽ ăn bám, báo hại, đưa bọn phản động về phá ta, làm nhiều điều chướng tai, gai mắt. Phải có gan nhẫn nhục, phải khôn khéo và luôn luôn tỉnh táo. Cái gì cho, cái gì không cho, phải có đối sách thích hợp. Bác thường nói: Chính sách của ta hiện nay phải là chính sách Câu Tiễn. Nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục... Ngày 28/9/1945, Hà ứng Khâm bay tới Hà Nội tham dự lễ đầu hàng của quân đội Nhật, đồng thời mang theo một mật lệnh của thống chế Tưởng vỏn vẹn bốn chữ “Diệt Cộng cầm Hồ”. Tình hình thực tế lúc đó cho thấy vịêc thực hiện mệnh lệnh này không dễ dàng chút nào, chúng ta vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, một mặt vẫn coi quân Tưởng là đồng minh, mặt khác vẫn đề phòng chúng phá hoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát biểu trong một buổi gặp gỡ giới báo chí : “Tổng trưởng Hà ứng Khâm là một quân nhân, không có quyền nói về chính trị, nên ông không thể nói hơn về nền độc lập của chúng ta. Lấy tình riêng mà nói, Hà tổng trưởng, mặc dầu từ trước tới nay đối với tôi chưa từng quen biết, nhưng về phương diện cá nhân ông rất tử tế!”. Một lần, Tiêu Văn gửi đến một bức công văn vỏn vẹn mấy chữ: “Kính gửi Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm”. Anh em vô cùng phẫn nộ nhưng Bác vẫn ôn tồn, ung dung: Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ mất. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?

Trong những tình huống phức tạp, đầy thử thách, hiểm nguy nhưng nhờ có sách lược khôn khéo, có phong cách ứng xử ngoại giao mềm mỏng, tinh thế, nên chúng ta vẫn phát huy được chính nghĩa dân tộc, làm cho đối phương kính nể, bớt phần hung hãn, đưa cách mạng vượt qua bước khó khăn. Chính những điều đó đã bộc lộ rõ vai trò, hiệu quả phong của phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Một phong cách ngoại giao nhã nhặn, lịch thiệp và rất mực chân thành, tự nhiên.

Là một nguyên thủ quốc gia, một chính khách nổi danh trên thế giới, nhưng trong các cuộc tiếp xúc, không bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ra mình đặc biệt hơn người mà luôn dành sự quan tâm chu đáo cho những người xung quanh.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp, đông đảo Việt kiều và bạn bè Pháp đến thăm, chào mừng Người. Các cháu thiếu nhi hát cho Người nghe, làm Người rất cảm động. Khi các cháu định ra về, bỗng Người hỏi: “Thế các cháu có biết hát bài Quốc ca Pháp không?” Tất cả đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Những giọng hát thanh thanh vang lên sôi nổi, hùng tráng. Một sự cảm động thật sự choán hết tâm hồn những người Pháp có mặt tại đó. Đó là biểu hiện của một thiện chí hòa bình và hữu nghị, một biểu hiện hùng hồn về những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái của nước Pháp - một đất nước mà Người yêu mến, chi muốn hợp tác hữu nghị chứ không muốn chiến tranh.

Hiểu biết rộng về lịch sử, đất nước, văn hóa, con người…cho đến tâm lý, sở thích cá nhân người đối thoại.

Sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ của phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có vốn hiểu biết văn hóa rộng lớn của Người. Chính sự lịch lãm về nhiều mặt đã giúp Người giành được thế chủ động ngay trong cả những tình huống bất ngờ nhất.

Năm 1958, Bác Hồ sang thăm Ấn Độ. Tại bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng tay để bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.

Mùa xuân năm 1945, sau cuộc trao trả viên phi công Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc với viên tướng Mỹ C.L.Sen-nôn, chỉ huy không đoàn 14, mệnh danh là Hổ bay đóng tại Côn Minh. Người Mỹ ngỏ ý muốn cảm ơn và muốn tặng ta tiền thuốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời rằng: Bổn phận của những người chống phát - xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ đồng minh. Người chỉ xin Sen - nôn một tấm ảnh để làm kỷ niệm. Sen - nôn là một viên tướng điển trai và hào hoa, vốn không có gì thích thú hơn là có dịp được tặng ảnh cho người khác. Điều đó làm cho ông ta có cảm tình với Cụ Hồ, sau đó giao nhiệm vụ cho trung úy S.Phen tổ chức việc tiếp tế và hỗ trợ điện đài cho Việt Minh.

Học tập phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay

Cả một đời hoạt động cách mạng sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cách mạng Việt Nam một phong cách ngoại giao dũng khí, trí tuệ, nhân hậu, uyển chuyển, lịch lãm. Có lẽ, đó cũng vẫn là những yêu cầu và phẩm chất của ngoại giao Việt Nam hiện đại./.

Mộc Miên

[1]: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.302

Tag:

File đính kèm