Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng duy trì trên 65%, điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loại cây dược liệu, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như: khôi nhung, thảo quả, hương nhu, sả, nghệ, giảo cổ lam, cà gai leo... Những loài cây dược liệu quý này là nguồn tài nguyên thuốc tự nhiên quý hiếm, phong phú, đa dạng. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, có nhiều bài thuốc và dược liệu quý, phương pháp chữa bệnh bằng Đông y được lưu truyền trong dân gian mang đậm bản sắc dân tộc vùng, miền; những ưu thế này là điều kiện thuận lợi để phát triển nền Đông y của tỉnh. Nền Y học cổ truyền của tỉnh Tuyên Quang được hình thành và phát triển gắn với tập quán chữa bệnh trong dân gian.
Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện công tác xây dựng và phát triển nền Đông và Hội Đông y của tỉnh. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nhân lực; nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y; thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất, phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc và phát triển những loài dược liệu quý hiếm có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất thuốc y học cổ truyền.
Hệ thống khám, chữa bệnh bằng Đông y và cán bộ làm công tác Y - Dược cổ truyền được quan tâm kiện toàn, củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, tuyến tỉnh có Bệnh viện Y - Dược cổ truyền được xếp bệnh viện hạng II, là tuyến khám, chữa bệnh bằng y - dược cổ truyền cao nhất của tỉnh. Ngoài ra, tại Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang, Bệnh Viện Công an tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm còn có các khoa, bộ phận y học cổ truyền. Tổng số cán bộ, nhân viên y tế thuộc các khoa, bộ phận y dược cổ truyền tuyến tỉnh có 135 người; trong đó, thạc sĩ: 03 người (chiếm 10% tổng số thạc sĩ tuyến tỉnh), bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền: 31 người (chiếm 14,7 % tổng số bác sĩ tuyến tỉnh); dược sĩ đại học làm việc trong lĩnh vực Đông y: 07 người (chiếm 14,3% tổng số dược sĩ đại học tuyến tỉnh). Tuyến huyện, có 6/6 Trung tâm Y tế huyện có khoa Đông y, 3/3 Bệnh viện đa khoa khu vực có tổ hoặc bộ phận Đông y ghép với một số khoa chức năng khác; tổng số nhân lực có trình độ chuyên môn về Y - Dược cổ truyền là 87 người (chiếm 15,4% tổng nhân lực y tế tuyến huyện); trong đó, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa: 12 người (chiếm 5,7% tổng số bác sĩ chuyên khoa tuyến huyện), y sĩ y học cổ truyền, y sĩ định hướng y học cổ truyền: 19 người (chiếm 25,3% tổng số y sĩ tuyến huyện). Tuyến xã, có 138/138 trạm y tế xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ phụ trách công tác Đông y; trong đó, y sĩ y học cổ truyền, y sĩ định hướng y học cổ truyền: 28 người (chiếm 7,3% tổng số y sĩ tuyến xã), lương y: 05 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 18 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân bằng y học cổ truyền; tổ chức Hội Đông y các cấp có: 01 phòng chẩn trị trực thuộc Hội Đông y tỉnh, 08 phòng chẩn trị kết hợp với khoa Đông y Bệnh viện tuyến huyện. Từ năm 2008 đến nay, đã đào tạo được 03 thạc sĩ, 15 bác sĩ CKI, 01 bác sĩ CKII về Đông y, 15 dược sỹ đại học và 52 dược sỹ trung cấp, 314 lượt y sỹ y học cổ truyền hoặc y sỹ định hướng Đông y được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, 520 lương y và 28 lương dược được đào tạo, bồi dưỡng; có 35 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở về lĩnh vực y học cổ truyền (trong đó có 05 đề tài cấp tỉnh, 30 đề tài cấp cơ sở), đã có nhiều đề tài cấp tỉnh và cấp cơ sở được ứng dụng cao trong khám và điều trị cho người bệnh; tạo ra những sản phẩm quan trọng góp phần vào thực tiễn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã giới thiệu cây thuốc nam cho người dân
(Nguồn ảnh: http://yenson.tuyenquang.gov.vn)
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc Đông y được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã thành lập và phát triển hệ thống đào tạo phát triển nguồn nhân lực Đông y tại tỉnh. Trong giai đoạn 2008 – 2019, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở đào tạo về lĩnh vực y tế (Trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang); từ năm 2019 đến nay, thực hiện chủ trương sáp nhập Trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang thành 01 khoa thuộc Trường Đại học Tân Trào, công tác đào tạo nhân lực về y tế của tỉnh được thực hiện tại Khoa Y – Dược của Đại học Tân Trào (trong đó có đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền). Các cơ sở đào tạo đã chú trọng tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị, trường đại học có uy tín về lĩnh vực Y - Dược cổ truyền, từ đó mở ra định hướng nghiên cứu, dự báo nhu cầu, các giải pháp trong nuôi trồng, chế biến,… ứng dụng vào phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên trong lĩnh vực dược liệu, dược cổ truyền, đáp ứng nhu cầu và xu thế của xã hội; thực hiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viê; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường là nguồn nhân lực y tế bổ sung kịp thời cho các cơ sở y tế trong tỉnh.
Tổ chức Hội Đông y được thành lập, kiện toàn đầy đủ ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và được công nhận là Hội có tính chất đặc thù đến cấp huyện. Trong quá trình hoạt động, Hội Đông y các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các giải pháp thu hút, tập hợp, kết nạp hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Toàn tỉnh hiện có 1.971 hội viên Hội Đông y, là những người tâm huyết, nhiệt tình, có kinh nghiệm về y học cổ truyền; tích cực trong việc tuyên truyền về vai trò, vị trí của nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam chữa bệnh; thực hiện sưu tầm, kế thừa, bảo tồn 350 phương thuốc, bài thuốc kinh nghiệm, gia truyền và 70 cây thuốc quý. Hội Đông y các cấp và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, hội viên Đông y; quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xây dựng và phát triển nền Đông y và tổ chức hội vững mạnh; khẳng định vị trí, tầm quan trọng của y học cổ truyền đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân; nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Đông y đã tham gia hiệu quả việc phòng, chống, điều trị thể nhẹ và vừa tại cơ sở, hỗ trợ tự chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng và y tế cơ sở như: thuốc xông, thuốc sắc đóng gói, bổ phế, bổ phổi, chống co thắt cơ tim… đem lại hiệu quả cao.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới tỉnh xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược trên địa bàn tỉnh; đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện để phát triển nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, nhất là việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, kế thừa, bảo tồn và phát triển các bài thuốc Đông y và ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền của địa phương. Tiếp tục củng cố tổ chức Hội Đông y, phát triển và đẩy mạnh hoạt động của Hội Đông y các cấp; phát huy vai trò nòng cốt của Hội Đông y các cấp trong việc xây dựng và phát triển nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh.
Phương Linh