Sign In

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam

18:19 31/05/2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời là một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với sự ra đời của tờ Thanh niên, báo chí Việt Nam từ báo chí yêu nước đã trở thành báo chí cách mạng. Những bài viết trên báo Thanh niên có nội dung xoay quanh các mâu thuẫn khó có thể hóa giải được trong xã hội lúc đó, lột tả được bản chất của vấn đề, tạo nên tác động to lớn trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Đây là điều mà các tờ báo trước đây chưa làm được.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khơi nguồn mà còn là người lãnh đạo, tổ chức, định hướng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động và phát triển theo tinh thần thấm nhuần tính Đảng, tính Nhân dân sâu sắc. Từ ước muốn giản dị: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1), Người đã xây dựng tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam là “phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Người còn chỉ rõ: hoạt động báo chí là hoạt động cách mạng, những người làm báo là những chiến sĩ cách mạng: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ và hòa bình thế giới”(2). Theo Người, tính chiến đấu của báo chí không chỉ nhằm ở mục đích tiến công vào kẻ thù, phê phán cái xấu, cái ác mà còn cổ vũ, động viên, nêu những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động sản xuất. Đặc biệt, cơ sở quan trọng để phân biệt báo chí cách mạng và báo chí phản cách mạng là tính Đảng. Người yêu cầu: Báo chí của ta là để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Chỉ dẫn đó đã giúp cho báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động thống nhất về tư tưởng và tổ chức.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đưa đường chỉ lối cho báo chí cách mạng Việt Nam, Người còn trực tiếp viết báo, tự tay ươm mầm, chăm sóc cho vườn hoa báo chí cách mạng Việt Nam trưởng thành và phát triển. Trong gần 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh được sử dụng(3). Người đã để lại những bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén, là phương tiện để vận động và tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả. Kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Người vẫn quyết tâm sáng lập những tờ báo, viết những bài báo cách mạng. Ngòi bút của Người bao quát mọi vấn đề, phân tích cụ thể, sáng tạo, đưa ra nhưng giải pháp thiết thực, có tác dụng to lớn, hiệu triệu toàn dân tạo sức mạnh tinh thần to lớn đứng lên tham gia kháng chiến. Mỗi bài báo của Người đều truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc, là những trăn trở về con đường cứu nước cứu dân, kêu gọi Nhân dân đoàn kết, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khoảng thời gian gần 6 năm Bác ở và làm việc tại Tuyên Quang, trong Cách mạng tháng 8/1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác đã viết nhiều bài báo nổi tiếng với nhiều bút danh khác nhau, như: Cần tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh; Tự phê bình; Cần và Kiệm; Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu… Những bài báo của Người có tác dụng vô cùng to lớn, cổ vũ cán bộ chiến sĩ và Nhân dân tham gia kháng chiến, giành độc lập dân tộc, đồng thời có tác động to lớn trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nhà báo vĩ đại của dân tộc.

Nguyễn Nhung

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Tập 4, trang 187
  2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Tập 14, trang 540
  3. Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh: lãnh tụ báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí của Ban Tuyên giáo TW, số 6/2022

Tag:

File đính kèm