Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra việc gia cố đê tại xã Trường Sinh.
Cùng đi có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo tỉnh cần phải nhanh chóng khắc phục sự cố và ổn đinh đời sống cho Nhân dân.
Tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà động viên lực lượng tham gia bảo vệ đê.
Triển khai kịp thời, nghiêm túc các biện pháp ứng phó với tình hình bão lũ
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứng kiến đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao biển ủng hộ số tiền 20 tỷ đồng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vận động, quyên góp cho tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Thay mặt Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác về tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả Cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 6-9 đến ngày 11-9-2024, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều đợt mưa to, có nơi mưa rất to có nơi đến 248mm… nước sông Lô, sông Gâm và sông Năng lên cao, lưu lượng nước lớn, nước hồ thủy điện Tuyên Quang dâng nhanh, phải mở 8 cửa xả đáy (trong ngày 9 và 10-9), gây ra lũ lớn trên các sông, suối vùng hạ lưu, ngập úng nhiều khu vực dân cư, vùng sản xuất, gây thiệt hại về người và gây thiệt hại tương đối nặng nề về tài sản, các công trình giao thông, thủy lợi...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung báo cáo tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại Tuyên Quang.
Đến thời điểm ngày 11-9, đã có 101 điểm bị nước ngập sâu bị cô lập và rất nhiều điểm ngập úng gây ách tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt Thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái) do lượng nước về hồ lớn đến cos an toàn để vận hành, tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Yên Sơn và 3 xã Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê di dời khẩn cấp 692 hộ với 2.853 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn. Ngoài ra, do lũ trên sông Lô tăng cao, gây áp lực lớn nên vào 21 giờ, ngày 11-9, đoạn đê sông Lô vị trí xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ, chiều dài khoảng 10m.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tác động, ảnh hưởng của tình hình thời tiết và với tinh thần chủ động, xây dựng kịch bản chi tiết trong các tình huống cụ thể; quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai kịp thời, nghiêm túc các biện pháp ứng phó với tình hình bão lũ nên thiệt hại do Cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh được hạn chế.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi làm việc.
Đến thời điểm 11 giờ ngày 12-9, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh khiến 3 người chết; 3.546 nhà dân bị ảnh hưởng; 3.989 hộ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra nhiều trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị ngập, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị; trên 7.000 ha diện tích lúa, hoa màu thiệt hại; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về tài sản trên toàn tỉnh bước đầu xác định khoảng trên 500 tỷ đồng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Tỉnh đề nghị Đoàn công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện, thành phố khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; hỗ trợ khoảng 1.000 kg Cloramin B để khử trùng, tiêu độc sau lũ lụt; 3 xe cứu thương cho Trung tâm y tế huyện; hỗ trợ 10 xuồng máy; khoảng 1.000 áo phao cứu sinh, 300 đèn pin chịu nước cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh cũng đề nghị đề nghị Trung ương có chủ trương, giải pháp căn cơ về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân đang sinh sống ở những vùng có nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo ổn định sinh sống lâu dài.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang dự buổi làm việc.
Đặt sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc nhất đối với những thiệt hại mà người dân Tuyên Quang cũng như các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Đồng chí đánh giá cao tỉnh đã chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời có những chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị của Chính phủ. Đồng chí biểu dương lực lượng quân đội, công an đã kịp thời hỗ trợ Nhân dân trong những ngày bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến Ban cứu trợ Trung ương ủng hộ Tuyên Quang 20 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3.
Đồng chí yêu cầu tỉnh cần tiếp tục triển khai tất cả các biện pháp, phương tiện trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những khu vực người dân đang bị cô lập, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời các chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại. Nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp, hỗ trợ, trao tận tay đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết và nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, chỗ ở an toàn; bảo đảm phương tiện, hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng tham gia phòng, chống lụt, bão và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm nơi sơ tán người dân tại xã Trường Sinh.
Tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng, khử độc, phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường. Tập trung sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, các cơ sở trường học, bệnh viện... Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo kịp thời và chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập..., đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng tình hình khó khăn để hoạt động vi phạm pháp luật.
Đối với những đề nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cân đối các nguồn lực để triển khai thực hiện hỗ trợ theo kiến nghị của tỉnh.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi, động viên Nhân dân sơ tán tại xã Trường Sinh.
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp đến kiểm tra, nắm tình hình động viên các lực lượng làm công tác bảo vệ đê đoạn qua xã Trường Sinh (Sơn Dương). Đồng chí đánh giá cao lực lượng vũ trang đã kịp thời phối hợp, giúp đỡ nhân dân trong việc gia cố, bảo vệ đoạn đê xung yếu có nguy cơ cao bị vỡ. Đồng chí yêu cầu các lực lượng tiếp tục thực hiện gia cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Đến thăm hỏi, động viên các hộ dân phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm do nguy cơ vỡ đê tại xã Trường Sinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống. Đồng thời, lưu ý chính quyền địa phương cần quan tâm, giúp đỡ người dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng, những hộ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Bằng mọi biện pháp, phải lấy sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.
Theo Ngọc Hưng - Việt Hòa/baotuyenquang.com.vn