Sign In

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị lịch sử vượt thời đại của dân tộc Việt Nam

12:47 11/06/2023
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, ngày 11/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với phong trào Thi đua yêu nước của cả dân tộc. Đồng thời là cơ sở, nền tảng để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách về Thi đua yêu nước và xây dựng đời sống mới, con người mới.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Thấm nhuần Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua yêu nước được tổ chức rộng khắp, liên tục, trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi con người, mọi tầng lớp nhân dân,... đem hết tinh thần, của cải, sức lực cống hiến cho đất nước, tạo động lực cách mạng to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với khí thế thi đua Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trong toàn quân, như: Luyện quân lập công, ... đã thôi thúc toàn dân, cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế chiến đấu, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Phong trào thi đua trong toàn dân, toàn quân tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đã lan tỏa sâu rộng, tạo động lực thôi thúc, cán bộ, chiến sĩ, quân dân  thi đua lập công, tiến tới, đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước [1].

Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và Người đã khởi xướng tổ chức, trực tiếp chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực. Ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chỉ rõ: Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc xác định mục đích là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm, nhằm thực hiện Hạnh phúc cho dân. Về cách làm, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương châm: dựa vào Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây Hạnh phúc cho dân. Để dân dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng” [2].

Người không chỉ khởi xướng mà còn trực tiếp dẫn dắt, chỉ đạo nhiều phong trào thi đua của nước ta, như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương, Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới như: Phong trào thi đua "Ba nhất trong Quân đội", phong trào "Gió Đại Phong trong nông nghiệp", phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp...

Tiếp nối tinh thần: Thi đua là yêu nước của Người, Đảng, Nhà nước và các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều phong trào thi đua, thu hút được rất nhiều giai tầng tham gia, là môi trường để mọi người thi đua, sáng tạo, cống hiến, như các phong trào: Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, giai đoạn 2021-2025; cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở. Đặc biệt giai đoạn cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, để tạo ra sức mạnh tinh thần chiến thắng dịch bệnh, học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19.

Ngày 11/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). Theo Quyết định, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua đối với công tác thi đua, khen thưởng [3].

Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, tỉnh Tuyên Quang tổ chức phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

Sau 75 năm, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự. Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đỗ Hồng Thanh

1. Đại tướng Lương Cường, Phát huy tinh thần Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, Cơ quan Lý luận Quân sự - Chính trị của  Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, 08/6/2023.

2. TS. Bùi Văn Mạnh, Phát huy tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Lao động, Cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, 07/06/2023

3. TTXVN, Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, 11/4/2023.











Tag:

File đính kèm